Trong cuộc thăm dò do hãng tin Kyodo News tiến hành, LDP và đối tác là Đảng Công minh dự kiến sẽ giành được ít nhất 63 trong tổng số 124 ghế, cao hơn so với mục tiêu mà các lãnh đạo cao cấp của LDP đề ra trong cuộc bầu cử này. Kết quả thăm dò do đài truyền hình NHK tiến hành cũng cho kết quả tương tự khi dự báo liên minh cầm quyền có thể giành tới 67 ghế, trong đó riêng Đảng Công minh có thể giành từ 26 đến 28 ghế. Do Thủ tướng Shinzo Abe chủ trương thúc đẩy kế hoạch sửa đổi Hiến pháp nên mọi sự chú ý hiện nay tập trung vào việc liệu liên minh cầm quyền và các lực lượng ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp có giành được 2/3 số ghế tại Thượng viện để thực hiện kế hoạch này hay không.
Thượng viện Nhật Bản hiện gồm 242 thành viên, trong đó 50% số nghị sỹ sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 28/7. Theo Luật bầu cử các chức vụ công sửa đổi, Thượng viện được bổ sung thêm 6 thành viên theo hai giai đoạn, trong đó 3 thành viên được bầu ra trong cuộc bầu cử này. Như vậy, các cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu ra 124 nghị sỹ, trong đó có 74 người sẽ được lựa chọn từ 47 khu vực bầu cử theo phương pháp phổ thông đầu phiếu và 50 người sẽ được bầu theo phương pháp đại diện tỷ lệ. Với việc vẫn còn 70 thượng nghị sỹ đang tại vị, liên minh cầm quyền sẽ phải giành thêm ít nhất 94 ghế trong cuộc bầu cử này để thực hiện mục tiêu đó. Tuy nhiên, nếu chỉ để thông qua việc sửa đổi Hiến pháp, liên minh cầm quyền và các lực lượng ủng hộ cần giành ít nhất 85 ghế vì có 9 thượng nghị sỹ không phải bầu lại đợt này, trong đó có 6 người thuộc Đảng Duy Tân Nhật Bản và 3 nghị sỹ độc lập, ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp.
NHK dự báo sau bầu cử, các lực lượng ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp có thể sẽ có từ 155 đến 167 trong tổng số 245 ghế tại Thượng viện (tính cả các Thượng nghị sỹ vẫn còn tại vị). Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, cho đến 18 giờ ngày 21/7 (giờ địa phương), tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ dừng lại ở con số 27,3%, thấp hơn đáng kể so với con số 32,49% trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016.