Bán đảo Triều Tiên từng là thuộc địa của Nhật Bản trong thời kỳ từ năm 1910-1945 và mối quan hệ không mấy thân thiện giữa hai phía đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Nhật Bản và Triều Tiên chưa bao giờ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ nhiều thập niên trước là những trở ngại lớn nhất trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia. Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước. Trong số này, đã có 5 công dân Nhật Bản hồi hương.
Vào tháng 2 này, phát biểu trước các phóng viên, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Tôi chủ trương bình thường hóa quan hệ ngoại giao bằng việc giải quyết quá khứ đáng buồn. Về vấn đề bắt cóc, tôi cho rằng Nhật Bản nên cương quyết và thẳng thắn cùng Triều Tiên giải quyết song phương. Từ thời điểm này, tôi muốn nỗ lực hợp tác cùng Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga hướng tới tìm một giải pháp cho những vấn đề liên quan tới Triều Tiên trong đó gồm bắt cóc, vũ khí hạt nhân và tên lửa”.
Thông điệp Thủ tướng Abe đưa ra mang nhiều khác biệt so với lập trường của ông cách đây 1 năm, trước khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ nhất diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2018.
Ở thời điểm đó, Thủ tướng Abe khá cứng rắn, lên tiếng đề nghị “thúc ép Triều Tiên thay đổi chính sách” đồng thời gọi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là “mối đe dọa khẩn cấp”.
Tuy nhiên, sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ nhất tại Singapore, Nhật Bản quyết định ngừng các cuộc luyện tập sơ tán với tình huống giả định là Triều Tiên tấn công tên lửa. Trước đó, trong năm 2017 Triều Tiên đã phóng thử 2 quả tên lửa qua không phận Nhật Bản trong các ngày 29/8 và 15/9.
Đến tháng 9/2018, Thủ tướng Abe phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng ông sẵn sàng tham gia đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Tuy nhiên, phía Triều Tiên chưa phản hồi về đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản. Vào đầu tháng 2, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA vẫn dùng những từ ngữ khá mạnh khi đề cập đến Nhật Bản.
Theo nguồn tin của tờ Japan Times (Nhật Bản), Tokyo đã duy trì liên lạc với Bình Nhưỡng qua các kênh ngoại giao, trong đó có Đại sứ quán tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, nguồn tin của Japan Times khẳng định Triều Tiên chưa hề phản hồi.
Tờ Al Jazeera dẫn lời một quan chức cấp cao ngoại giao Nhật Bản trong tháng 1 nhận định: “Mối quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên đang ở thế bế tắc”.
Ngoài ra, tình trạng quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang có phần chững lại do bất đồng liên quan đến lịch sử và lãnh thổ được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng Seoul giúp đỡ đưa Tokyo và Bình Nhưỡng đến bàn đàm phán.
Giáo sư Narushige Michishita tại Viện Nghiên cứu chính sách Quốc gia ở Tokyo đánh giá: “Mối quan hệ có phần xấu đi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gây ra rắc rối vậy nên Tokyo cần xử lý những vấn đề này và tìm ra giải pháp lâu dài”.
Ông Michishita đánh giá Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ nhất tại Singapore thiếu cụ thể. Do vậy, ông Michishita nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 cần đạt được thỏa thuận về quá trình và thời điểm phi hạt nhân hóa. Nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 đạt được thỏa thuận và quá trình thực thi diễn ra thì mối quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên cũng sẽ tiến triển”.
Trong khi đó, người dân Nhật Bản lại khá lạc quan về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) vào cuối tháng 2.
Sinh viên 22 tuổi Ayaka Itano tại Tokyo chia sẻ: “Nếu Triều Tiên và Mỹ xây dựng được mối quan hệ tốt thì sẽ có ít nguy cơ xung đột hơn trên thế giới”.