Theo hãng tin Kyodo, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch yêu cầu các công ty có từ 300 nhân viên trở lên bắt buộc phải công khai dữ liệu chênh lệch lương theo giới, đồng thời hỗ trợ phụ nữ có được những kỹ năng kỹ thuật số cần thiết và tìm việc làm. Chính phủ cũng sẽ xem xét các hệ thống thuế và an sinh xã hội hiện có để đánh giá và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của lao động nữ.
Nhật Bản bị đánh giá tụt hơn so với các quốc gia khác trong việc đảm bảo bình đẳng giới và đứng thứ 120 trong số 156 quốc gia trong báo cáo về khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố tháng 3/2021. Nguyên nhân là do tỷ lệ nữ giới giữ các chức vụ quản lý hoặc tham gia chính trường tại nước này còn thấp.
Thủ tướng Kishida Fumio cho biết thúc đẩy trao quyền lực kinh tế cho phụ nữ là trọng tâm của chủ nghĩa tư bản kiểu mới mà Nhật Bản theo đuổi và chính phủ nước này sẽ thực hiện các bước để tăng lương cho phụ nữ. Ông kêu gọi các công ty tăng lương nhiều hơn nữa cho người lao động.
Tài liệu về chính sách mới của Chính phủ Nhật Bản cho rằng cần phải thay đổi quan điểm cũ tồn tại cách đây nhiều thập kỷ rằng phụ nữ nên ở nhà và làm việc nhà. Các chuyên gia cho rằng chính phủ đang phải đối mặt với nhiệm vụ to lớn là thay đổi cách mọi người suy nghĩ và hành động do việc này đòi hỏi một tầm nhìn chính sách dài hạn và nguồn lực tài chính.
Chính phủ Nhật Bản cho biết cải thiện môi trường làm việc cho nam giới cũng là một ưu tiên, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nam giới nghỉ việc hoặc làm việc tại nhà khi người vợ trong thời kỳ thai sản.
Nhật Bản là một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới và đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Trong những năm gần đây, số phụ nữ tham gia lực lượng lao động đã gia tăng mặc dù nhiều người có xu hướng làm việc bán thời gian.