Mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản trong việc hỗ trợ hoạt động phát triển vaccine COVID-19 mang tính quốc tế là đóng góp cho công tác phòng ngừa dịch bệnh và nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Nhật Bản trên trường quốc tế. Dự kiến, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ công bố quyết định chính thức trong cuộc hội đàm với đại diện CEPI vào ngày 25/02.
CEPI, Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) là những tổ chức quốc tế có đóng góp quan trọng trong việc hình thành Cơ chế bảo đảm tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX), mang lại điều kiện tiếp cận vaccine COVID-19 thuận lợi cho các nước đang phát triển trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới khan hiếm. CEPI cũng cung cấp các khoản tài chính cho hoạt động nghiên cứu phát triển các loại vaccine, trong đó có vaccine Ebola và hai loại vaccine COVID-19 đang được sử dụng rộng rãi hiện nay là Moderna và Pfizer-BioNTech.
Trong kế hoạch hoạt động 5 năm kể từ năm 2022, CEPI kêu gọi các quốc gia hỗ trợ khoản đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu vaccine. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản là 1 trong 3 quốc gia có nhiều đóng góp cho CEPI nhất (220 triệu USD), sau Na Uy (400 triệu USD) và Đức (370 triệu USD).
* Cùng ngày, hãng dược phẩm Sanofi của Pháp và công ty dược phẩm đa quốc gia GlaxoSmithKline (GSK) của Anh đang tiến hành các bước để đăng ký phê duyệt đối với vaccine ngừa COVID-19 do 2 công ty này hợp tác sản xuất.
Trong tuyên bố, hai công ty cho biết sẽ gửi dữ liệu từ các thử nghiệm liên quan đến hiệu quả của mũi tăng cường và thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho các cơ quan có thẩm quyền, tạo cơ sở cho các đơn phê duyệt theo quy định. Vaccine ngừa COVID-19 do hai công ty hợp tác phát triển có kết quả tích cực với các phản ứng miễn dịch và có hồ sơ an toàn.
Theo Sanofi và GSK, vaccine này có tỷ lệ ngăn ngừa các ca mắc COVID-19 khỏi diễn tiến nặng và nhập viện lên tới 100% và hiệu quả bảo vệ các trường hợp âm tính không mắc bệnh từ trung bình đến nặng là 75%.
Phó Chủ tịch điều hành của Sanofi Vaccines, ông Thomas Triomphe, cho biết hiện nay trên thế giới chưa có nghiên cứu hiệu quả giai đoạn 3 nào được tiến hành đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có Omicron. Theo ông Triomphe, hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 do Sanofi-GSK sản xuất có dữ liệu tương tự như dữ liệu rút ra từ các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt trước đó.
Bên cạnh đó, loại vaccine này cũng có thể được sử dụng như một liều tăng cường, giúp gia tăng đáng kể các kháng thể trung hòa.
Chủ tịch của GSK Vaccines, ông Roger Connor, khẳng định vaccine này sẽ mang lại những đóng góp quan trọng cho quá trình ứng phó với đại dịch và chuẩn bị cho thời kỳ hậu đại dịch.
* Cũng trong ngày 23/2, Chile thông báo hơn 1 triệu người dân nước này đã được tiêm mũi tăng cường thứ 2 vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, theo Bộ Y tế Chile, kể từ tháng 1/2022, lực lượng chức năng nước này đã tiêm mũi tăng cường thứ 2 cho 1.006.329 người. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng này, mũi tăng cường thứ 2 được ưu tiên triển khai với những người suy giảm miễn dịch, sau đó là các nhân viên y tế và người dân nói chung.
Chính phủ Chile đã quyết định tiến hành tiêm mũi tăng cường thứ 2 để giảm bớt tác động của biến thể Omicron. Thống kê cho thấy kể từ tháng 2/2021, nước này đã tiêm hơn 48,2 triệu liều vaccine cho người dân nước này.