Nhật Bản, EU tiếp tục gia tăng sức ép với Triều Tiên

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 17/7 đã kêu gọi sớm thông qua một nghị quyết mới của Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với Triều Tiên.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (phải) tại cuộc gặp ở New York, Mỹ ngày 17/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc gặp kéo dài 40 phút với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ở New York (Mỹ), ông Kishida cho rằng mối đe dọa từ Bình Nhưỡng "đã bước sang một giai đoạn mới" khi Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo ông Kishida, việc gia tăng áp lực lên Triều Tiên hiện nay là quan trọng và vai trò Trung Quốc là "then chốt".

Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản cũng gặp Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai bên lề hội nghị của LHQ. Nhà ngoại giao Nhật Bản cho rằng việc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên đầu tháng này đe dọa toàn bộ châu Á và ông tìm kiếm hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong việc gây sức ép mạnh mẽ hơn đối với Bình Nhưỡng nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, đề cập đến đề xuất của Hàn Quốc về việc tổ chức đối thoại quân sự với Triều Tiên, Nhật Bản tuyên bố nước này không đánh giá cao đề xuất của Seoul, nhấn mạnh ưu tiên hiện tại là cần phải tăng cường áp lực lên Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norio Maruyama nói: "Giờ không phải là lúc để đối thoại mà là lúc để gây áp lực với Bình Nhưỡng. Giờ là lúc cần tăng cường áp lực để hướng tới  tổ chức một cuộc đối thoại nghiêm túc".

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố đang cân nhắc một số biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Triều Tiên để ngăn cản nước này tăng ngân sách cho phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong một tuyên bố, ngoại trưởng các nước thành viên EU, đang nhóm họp tại Brussels (Bỉ) đã lên án vụ thử ICBM vừa qua của Triều Tiên, cho rằng đây là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế", đồng thời thúc giục Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động tương tự.

Theo tuyên bố trên, EU sẽ cùng với các nước đồng minh và Liên hợp quốc cân nhắc tăng cường các biện pháp đáp trả hợp lý nhằm vào Triều Tiên. EU cũng bày tỏ mong muốn hỗ trợ Hàn Quốc trong những nỗ lực đàm phán với Triều Tiên.


Về phần mình, Trung Quốc đã hoan nghênh đề xuất của Hàn Quốc nối lại đàm phán quân sự với Triều Tiên nhằm thảo luận cách thức tránh các hành động thù địch gần biên giới liên Triều.

Trung Quốc cho rằng sự hợp tác và hòa giải có thể giúp giảm căng thẳng. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bày tỏ: "Chúng tôi hy vọng Triều Tiên và Hàn Quốc có thể phối hợp chặt chẽ theo hướng tích cực và tạo điều kiện phá vỡ thế bế tắc, đồng thời nối lại đối thoại và tham vấn".

Đề xuất trên được được đưa ra theo "Sáng kiến hòa bình Bán đảo Triều Tiên", còn gọi là "Sáng kiến Berlin" được Tổng thống Moon Jae-in công bố hôm 6/7 vừa qua tại Berlin (Đức), trong đó có nội dung nối lại chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên.

TTXVN/Tin Tức
Triều Tiên sẽ không dung thứ các biện pháp trừng phạt của Mỹ
Triều Tiên sẽ không dung thứ các biện pháp trừng phạt của Mỹ

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 15/7 cho hay Bình Nhưỡng sẽ không "dung thứ cho các biện pháp trừng phạt mang tính khiêu khích của Mỹ và các thế lực thù địch khác".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN