Chuyên gia Nhật Bản, Giáo sư, tiến sĩ Narushige Michishita:

Nhật Bản đồng cảm và chia sẻ quan điểm với Việt Nam

Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, và các tàu hộ tống của Trung Quốc gây hấn với các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã phỏng vấn ông Narushige Michishita - giáo sư, tiến sĩ về quan hệ quốc tế tại Học viện cao học Nghiên cứu chính sách quốc gia (GRIPS), kiêm Giám đốc Chương trình nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế.


Mục đích thực sự của Trung Quốc?


Theo GS. TS. Narushige Michishita, Nhật Bản cũng từng trải qua sự cố va chạm tàu với Trung Quốc tương tự như Việt Nam. Năm 2010, vụ việc giống như vậy cũng đã xảy ra tại vùng biển gần quần đảo Senkaku khi một tàu cá của Trung Quốc cố tình húc vào thân tàu của Lực lượng bảo an biển Nhật Bản (JCG). Khi đó, truyền thông Nhật Bản đăng tải những hình ảnh về vụ đâm va giữa tàu cá và tàu của JCG. Giờ đây, khi chứng kiến sự kiện tàu Trung Quốc đâm tàu cảnh sát biển Việt Nam, người Nhật Bản nhìn chung đều có chung sự đồng cảm và chia sẻ quan điểm với Việt Nam.


 

GS. TS. Narushige Michishita trả lời phỏng vấn p/v TTXVN.

 

Vậy thì mục đích đằng sau của hành động hạ đặt giàn khoan dầu của Trung Quốc tại thềm lục địa Việt Nam là gì? Ông Michishita cho rằng cần lưu ý về thời điểm Bắc Kinh đưa ra quyết định hạ đặt giàn khoan này. Sự việc trên xảy ra ngay sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama, mang theo những cam kết của Washington đến các nước này và thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Nhà Trắng đối với vấn đề an ninh ở châu Á cũng như những quan ngại đang hiện hữu trong khu vực.


Động thái này của Bắc Kinh dường như là một phép thử đối với quan điểm an ninh của Tổng thống Obama. Washington cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho châu Á vậy thì Trung Quốc muốn thử xem cam kết đó của Mỹ có hiệu lực đến đâu trước những thách thức an ninh mà Bắc Kinh đặt ra. Phải chăng là Washington không thể thực hiện được lời hứa của mình đối với các đồng minh ở châu Á. "Theo tôi, bản chất thực sự của những diễn biến vừa qua chính là việc Trung Quốc đang muốn thách thức những cam kết của Mỹ sau chuyến công du châu Á của ông Obama. Đó là điều khiến tôi thấy quan ngại hơn cả", ông Michishita nói.


Việt Nam nên làm gì?


Theo ông Michishita, trong lúc vừa phải duy trì thái độ kiềm chế trước những hành động hung hăng của Trung Quốc thì Việt Nam cần phối hợp với các nước liên quan mà trước tiên là Nhật Bản, Mỹ và ASEAN cùng thống nhất hành động và đưa ra những tuyên bố và động thái ngoại giao tương ứng đáp trả nhằm buộc Bắc Kinh phải xuống thang và giảm bớt những hành động hung hăng trên Biển Đông.


Việt Nam cần tận dụng việc kiềm chế, tránh xung đột với Trung Quốc để tạo ấn tượng với cộng đồng quốc tế là đang nỗ lực giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Việt Nam cần tích cực thông tin một cách thường xuyên và đầy đủ cho các nước trong khu vực. Truyền thông Nhật Bản cập nhật đầy đủ các diễn biến, qua đó, người dân Nhật Bản và châu Á theo dõi những gì mà Trung Quốc đang làm. Từ đó, dư luận quốc tế sẽ có sự hiểu biết rõ ràng hơn những gì đang diễn ra trên Biển Đông.


Nỗ lực này của Việt Nam sẽ gây sự chú ý của Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới rằng Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm và hành xử một cách có trách nhiệm trong khu vực. Đó chính là sức ép lớn nhất mà Việt Nam có thể tạo ra đối với Trung Quốc buộc Bắc Kinh phải hạ nhiệt căng thẳng.


Thời gian gần đây, Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ khái niệm “đường chín đoạn” và đề ra những yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Về vấn đề này, ông Michishita cho rằng bất cứ ai cũng coi yêu sách về lãnh thổ lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông là đơn phương. Nhưng thực tế, ở vùng biển này có rất nhiều đảo nhỏ, không rõ vùng đặc quyền kinh tế, không rõ đường lãnh hải đến đâu. Tương tự như vậy ở vấn đề Senkaku, mặc dù lập trường của Nhật Bản là rõ ràng nhưng những nước ở xa sẽ không hiểu Senkaku ở đâu. Rõ ràng có sự thiếu hiểu biết lẫn nhau. Ví dụ nếu Việt Nam giải thích rõ cho Nhật Bản biết các yêu sách đơn phương, áp lực của Trung Quốc cũng như tình hình Biển Đông thì Nhật Bản có thể đưa ra lập trường rõ ràng của mình. Ngược lại, nếu Nhật Bản cho các nước hiểu rõ tình hình xoay quanh quần đảo Senkaku thì các nước có thể thể hiện lập trường ủng hộ Nhật Bản. Với sự hiểu biết lẫn nhau như vậy, có thể xây dựng được cơ chế hợp tác hữu hiệu. Ông Michishita nghĩ rằng cần tăng cường xây dựng những cơ chế hợp tác như vậy.


Bước tiến lớn của ASEAN


Việc ASEAN đưa ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông cho thấy một bước tiến lớn mà khu vực đã đạt được trong việc đương đầu với khó khăn chung. Trung Quốc gây ra căng thẳng ở Biển Đông và tạo ra thách thức lâu dài đối với khu vực. Theo ông Michishita, vấn đề này không chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn mà nó sẽ diễn biến dai dẳng. Điều mấu chốt là Trung Quốc không chỉ gây rắc rối cho Việt Nam mà cả còn tăng cường sức mạnh và uy hiếp các quốc gia khác như Nhật Bản và Philippines. Do vậy, không chỉ là trên phương diện ngoại giao mà các nước như Nhật Bản, Việt Nam cần siết chặt quan hệ quốc phòng để cùng tạo nên một đối trọng cần thiết trước sức ép ngày càng lớn của Trung Quốc.


Trong việc này, cá nhân Nhật Bản hay Việt Nam không thể tự giải quyết được mà cần hình thành một khối vững chắc toàn khu vực để đối phó với Bắc Kinh. Với ý nghĩa như vậy, lần này Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản cần thừa nhận áp dụng quyền phòng vệ tập thể và giải thích cặn kẽ điều này đối với toàn thể người dân Nhật Bản. Quyền phòng vệ tập thể không chỉ là đảm bảo an ninh cho Nhật Bản mà còn có ý nghĩa lớn hơn, đó là đóng góp cho an ninh khu vực. Việc này sẽ tạo cho Nhật Bản một cơ chế mà ở đó Tokyo có thể hợp tác an ninh rộng rãi với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nó sẽ hết sức có ý nghĩa trong hoàn cảnh hiện nay.


Quả thực ASEAN đóng vai trò trục chính trong tiến trình đối thoại của khu vực. Với ASEAN+3, ASEAN+6, khả năng phát ngôn của ASEAN cũng như vai trò như một nơi để khu vực thảo luận là rất lớn. Hy vọng ASEAN sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình. Tuy nhiên, về mặt bảo đảm an ninh, quy mô của từng nước ASEAN là khá nhỏ và cũng khó mà đương đầu với sức mạnh của Trung Quốc. Do đó, ASEAN cần tăng cường hợp tác với các nước có sức mạnh tương đối như Mỹ, Australia, Nhật Bản và chia sẻ vai trò trong việc đảm bảo an ninh khu vực.


Theo ông Michishita, điều quan trọng là phải thuyết phục Trung Quốc hiểu rằng nguyên tắc lớn nhất chính là việc xây dựng môi trường hợp tác rất có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Trung Quốc vẫn có những người chủ trương phải sử dụng sức mạnh một cách vô trách nhiệm. Đối với những người như vậy cần cho họ thấy khả năng có thể đối phó được với sức mạnh đó. Với ý nghĩa đó, cần tăng cường hợp tác an ninh trong khu vực bao gồm hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, giữa Việt Nam và Mỹ, giữa các nước ASEAN. Tức là nếu các bên không tạo ra một môi trường mà ở đó Trung Quốc nhận thấy nếu cứ tiếp tục sử dụng sức mạnh sẽ chỉ gặp bất lợi mà thôi thì đương nhiên Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng sức mạnh trong quan hệ với các nước.



Bài, ảnh: Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Trung Quốc âm mưu đẩy ‘cuộc chiến truyền thông’?
Trung Quốc âm mưu đẩy ‘cuộc chiến truyền thông’?

Giới ngoại giao và học giả Trung Quốc liên tục có những phát biểu trên các phương tiện truyền thông quốc tế, cố tình bóp méo sự thật về vụ Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN