Cụ thể, có tới 57 địa điểm ở Nhật Bản trải qua "ngày cực nóng", nghĩa là nhiệt độ cao nhất vượt 35 độ C. Đáng lưu ý, thủ đô Tokyo và một số khu vực có nhiệt độ cao kỷ lục, trên 35 độ C, trong 2 ngày liên tiếp.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết nhiệt độ cao nhất được ghi nhận vào 16h (giờ địa phương) ngày 11/7 là 38 độ C tại tỉnh Yamanashi. Nhiệt độ của thủ đô Tokyo là 35,8 độ C. Tỉnh Saitama lân cận Tokyo ghi nhận nền nhiệt ở mức 37 độ C và nhiệt độ ở tỉnh Chiba là 36,4 độ C. Đây là tuần nóng nhất tại Nhật Bản từ đầu năm đến nay với nền nhiệt tại Yamanashi có lúc lên tới 38,7 độ C.
Nắng nóng khiến số bệnh nhân bị sốc nhiệt gia tăng. Thống kê cho thấy, riêng ngày 10/7, tại Tokyo có tới 167 người nhập viện do sốc nhiệt - mức cao nhất từ đầu năm. Tính theo tuần (đến ngày 3/7), thành phố này ghi nhận 3.964 trường hợp phải nhập viện cấp cứu do sốc nhiệt.
Sở Cứu hỏa Tokyo đang chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống số lượng cuộc gọi cấp cứu tăng vọt do nguy cơ nhiệt độ cũng như số bệnh nhân sốc nhiệt tiếp tục tăng trong thời tiết nắng nóng. Cơ quan này đã lập hệ thống “Báo động trong trường hợp thiếu xe cấp cứu” trong bối cảnh trên 80% các cuộc gọi cấp cứu được chuyển sang đơn vị cứu hỏa và con số này có thể tiếp tục tăng. Đơn vị cũng đã triển khai 30 xe cấp cứu bổ sung vào đội xe thường trực gồm 280 chiếc.
Để phòng ngừa nguy cơ sốc nhiệt và các bệnh liên quan về thời tiết nắng nóng, Bộ Môi trường Nhật Bản kêu gọi người dân uống nước thường xuyên, ở trong bóng râm, đội mũ, che ô và mặc quần áo thoáng mát.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao là do tình trạng biến đổi khí hậu. Bộ này dự báo số ngày “cực nóng” trong mùa Hè năm nay sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh thế giới đang ấm dần và hiện tượng mà các chuyên gia dự đoán là "siêu El Nino". Trước đó, ngày 10/7, Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết thế giới đã trải qua tuần nóng nhất kể từ đầu năm, với nhiệt độ trung bình toàn cầu trong ngày 7/7 là 17,24 độ C, cao hơn 0,3 độ C so với mức kỷ lục của năm 2016.