Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn thông tin từ Sách Xanh Ngoại giao 2025 của Nhật Bản, Việt Nam sở hữu vị trí địa chính trị quan trọng, khi giáp với các tuyến đường biển của Biển Đông và có chung đường biên giới dài với Trung Quốc. Với dân số lớn thứ ba ở Đông Nam Á và tầng lớp thu nhập trung bình đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam được đánh giá là một thị trường nhiều hứa hẹn.
Sách Xanh Ngoại giao 2025 nhận định, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã dẫn đến xu hướng các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty Nhật Bản, chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời tích cực thúc đẩy GX (Chuyển đổi xanh) và DX (Chuyển đổi số). Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á cũng đang nỗ lực đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định thông qua các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thu hút vốn nước ngoài thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư.
Theo Sách Xanh Ngoại giao 2025 của Nhật Bản, do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 2% trong giai đoạn 2020–2021. Tuy nhiên, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 8,02% năm 2022 và 5,05% năm 2023.
Sách Xanh cho biết, Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ vào năm 2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á và Thế giới", với hơn 500 hoạt động kỷ niệm được tổ chức tại cả hai nước. Các cuộc tiếp xúc cấp cao được triển khai đều đặn trong khuôn khổ quan hệ đối tác mới này.
Năm 2024, hoạt động trao đổi cấp cao tiếp tục diễn ra tích cực. Tháng 8/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã thăm Nhật Bản, đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản và cuộc họp cấp bộ trưởng với Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó - bà Kamikawa Yoko. Tại đây, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như kinh tế, giao lưu nhân dân, giao lưu địa phương và an ninh.
Tháng 9/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Komura Masahiro đã đến thăm Việt Nam và tham dự một diễn đàn quốc tế do Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai. Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cũng đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 10, và gặp Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị Cấp cao APEC tháng 11. Các cuộc gặp đã ghi nhận sự nhất trí về việc tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có an ninh.
Tháng 12/2024, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã thăm Nhật Bản và hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro cùng Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu, tại đây các nhà lãnh đạo đã thống nhất về tầm quan trọng của việc tăng cường giao lưu nhân dân.
Về cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, Sách Xanh ghi nhận số lượng người Việt cư trú tại Nhật, chủ yếu là thực tập sinh kỹ thuật, đang tiếp tục tăng – từ khoảng 40.000 người năm 2011 lên hơn 600.000 người vào cuối tháng 6/2024 – trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật sau Trung Quốc.
* Sách Xanh nhấn mạnh an ninh ở châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có mối liên hệ chặt chẽ. Nhật Bản cam kết sẽ nỗ lực củng cố quan hệ đối tác với Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) và các nước có cùng chí hướng nhằm duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền.
Đề cập đến chủ trương ngoại giao khu vực, trong đó nhấn mạnh đến Đông Nam Á, Nhật Bản nhấn mạnh sự ổn định và thịnh vượng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chốt chặn của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản và toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với các hoạt động tiếp cận Đông Nam Á thông qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các nỗ lực như mở rộng các dự án hợp tác trong nhiều lĩnh vực trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI) và kỹ thuật số, năng lượng và phát triển nguồn nhân lực, Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác với Đông Nam Á, vì đây là một trung tâm vận tải biển quan trọng và là trung tâm tăng trưởng toàn cầu.
Sách Xanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực của Tokyo nhằm xây dựng mối quan hệ bền chặt và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sách Xanh Ngoại giao 2025 nêu rõ Tokyo sẽ trao đổi chặt chẽ với Washington về nhiều vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt và nỗ lực đóng góp thiết thực.
Về Trung Quốc, Sách Xanh nhắc lại chính sách của chính phủ Nhật Bản là thúc đẩy "mối quan hệ cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung" với nền kinh tế số hai thế giới, một cụm từ được nhắc lại trong báo cáo năm ngoái sau 4 năm vắng bóng.
Đề cập đến Ấn Độ, Tokyo khẳng định đây là đối tác quan trọng với Nhật Bản, có chung các giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược, trong việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP). Vì cùng là các quốc gia dân chủ ở châu Á, Nhật Bản và Ấn Độ cùng có trách nhiệm to lớn đối với hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới.
Sách Xanh cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân với các quốc gia khác, cũng như phát triển mạnh mẽ ngoại giao văn hóa và tập trung vào việc thúc đẩy sự hiểu biết về Nhật Bản.
Đối với ngoại giao kinh tế, Nhật Bản cam kết sử dụng Viện trợ phát triển chính thức (ODA) và Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA). Về ODA, Sách Xanh cho biết Nhật Bản sẽ tạo ra các cơ chế mới, chẳng hạn như thúc đẩy huy động vốn tư nhân.