Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Tokyo, dù chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện lần này, song liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã không giành được 2/3 số ghế trong Thượng viện để có thể thông qua sửa đổi Hiến pháp. Sau bầu cử Thượng viện, liên minh cầm quyền hiện có 141/245 ghế, trong khi phải cần 164 ghế trở lên mới có thể thông qua sửa đổi Hiến pháp.
Cuộc bầu cử Thượng viện lần này đã cho thấy xu hướng ủng hộ các đảng phái hiện nay. Theo đó, LDP tiếp tục nhận được sự ủng hộ áp đảo của cử tri, tiếp theo là đảng Dân chủ Lập hiến, chính đảng đối lập lớn nhất trên chính trường Nhật Bản cũng giành được 17 ghế, nâng tổng số ghế của đảng này trong Thượng viện lên 32 ghế. Đảng Công minh, liên minh cầm quyền của LDP giành được 14 ghế, nâng tổng số ghế tại Thượng viện lên 28 ghế. Đảng Dân chủ Quốc dân chỉ giành được 6 ghế, hiện số ghế trong thượng viện của đảng này là 21 ghế. Hội Duy tân giành được 10 ghế, duy trì tổng số 16 ghế tại Thượng viện. Đảng Cộng sản giành được 7 ghế, duy trì tổng số 13 ghế tại Thượng viện.
Đáng chú ý, nhóm các ứng cử viên độc lập đã giành được 9 ghế, nâng tổng số ghế trong Thượng viện lên 17 ghế. Điều này thể hiện xu hướng không ủng hộ các ứng cử viên từ những chính đảng cũng đang tăng lên ở Nhật Bản.
Phát biểu tối 21/7, tại thời điểm liên minh cầm quyền đã giành được hơn 50% số ghế, Thủ tướng Abe tin tưởng rằng người dân đã lựa chọn sự ổn định chính trị, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách đã đặt ra trước đó và thông qua nỗ lực ngoại giao để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Thủ tướng Abe cũng có 3 vấn đề khó khăn trong nhiệm kỳ phải giải quyết, đó là giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc; ký kết hiệp ước hòa bình với Nga; và đưa nền kinh tế thoát khỏi giảm phát.
Sau cuộc bầu cử Thượng viện, chính trường Nhật Bản dự kiến sẽ có hai thay đổi lớn là công bố cải tổ nội các vào khoảng giữa tháng 9, đồng thời, LDP cũng sắp xếp lại các vị trí trong đảng.