Cụ thể, kết quả theo dõi 1.447 nhân viên của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) - những người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên của Moderna từ 9 ngày trở lên, cho thấy chỉ có 3,5% trong số họ có các vết đỏ trên cánh tay vào ngày thứ 9 sau khi tiêm; 4% có vết đỏ vào ngày thứ 10 và 2,6% có vết đỏ vào ngày thứ 11 hoặc muộn hơn. Bên cạnh đó, có 2,7% trong số trên có hiện tượng ngứa trên cánh tay vào ngày thứ 9 sau khi tiêm; 2,4% có hiện tượng này vào ngày thứ 10 và 1,3% vào ngày thứ 11 hoặc muộn hơn. Ở một trường hợp, triệu chứng này tiếp tục cho đến ngày thứ 25.
Theo các nhà nghiên cứu, những người ở độ tuổi 40 nhiều khả năng có các triệu chứng trên hơn so với các nhóm tuổi khác. Ông Suminobu Ito, Giáo sư Khoa Y của Đại học Juntendo, cho biết trong một số trường hợp, các triệu chứng trên có thể tái xuất hiện sau khi đã biến mất. Tuy nhiên, đối với hầu hết những người bị ảnh hưởng, các triệu chứng này sẽ giảm dần theo thời gian. Giáo sư Ito cũng khuyên nên làm mát vết tiêm nếu xuất hiện các phản ứng phụ như vậy.
Các số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy tính tới ngày 10/7, gần 26,9 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), chiếm khoảng 75,75% người cao tuổi ở nước này, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19. Trong số này, khoảng 16,2 triệu người, chiếm 45,66%, đã được tiêm mũi thứ 2. Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ hoàn thành việc tiêm phòng cho người cao tuổi vào cuối tháng 7.
Cũng theo những thống kê trên, trong số các địa phương ở Nhật Bản, tỉnh Gifu có tỷ lệ người cao tuổi được tiêm vaccine cao nhất khi có tới 87,39% người cao tuổi ở đây được tiêm mũi đầu tiên và 58,15% được tiêm mũi thứ 2. Tỷ lệ này ở thủ đô Tokyo tương ứng là 74,99% và 47,61%. Trong khi đó, tính tới ngày 8/7, tỷ lệ tiêm mũi thứ 1 trong số các nhân viên y tế và những người dưới 65 tuổi trên toàn quốc là 28,4% và tỷ lệ người được tiêm mũi thứ 2 là 16,8%.