Binh sĩ Nhật Bản đứng trên bong tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Tự vệ Hải quân Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Tàu sân bay trực thăng Izumo sẽ khởi hành trong tháng 5, dừng chân tại Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân chung có tên Malabar với các tàu hải quân Mỹ và Ấn Độ trên Ấn Độ Dương vào tháng 7.
“Mục đích là nhằm thử nghiệm năng lực của tàu Izumo bằng cách cử tàu này tham gia một sứ mệnh kéo dài. Tàu sẽ huấn luyện cùng hải quân Mỹ ở Biển Đông”, nguồn tin cho Reuters biết.
Trong khi đó, một nguồn tin khác cho hay Nhật Bản muốn mời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Izumo khi con tàu đến Vịnh Subic, cách thủ đô Manila khoảng 100 km về phía Tây. Người phát ngôn của Lực lượng Tự vệ Hải Quân Nhật Bản đã từ chối bình luận về thông tin này.
Tàu Izumo dài 249 m có kích thước lớn như các tàu sân bay thời Thế chiến 2 của Nhật Bản, có thể mang theo 9 trực thăng. Nhiệm vụ chính của Izumo là chiến đấu chống ngầm.
Nhật Bản đã phân loại tàu này là một tàu khu trục vì hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của nước này cấm việc sở hữu vũ khí tấn công. Tuy nhiên, con tàu cho phép Nhật Bản triển khai sức mạnh quân đội bên ngoài lãnh thổ của nước này và theo nhiều nguồn tin của Reuters, động thái nêu trên sẽ là màn phô diễn lực lượng hải quân lớn nhất của Tokyo kể từ Thế chiến 2.
Kế hoạch triển khai Izumo tới Biển Đông chắc chắn sẽ "chọc giận" Bắc Kinh, vốn tuyên bố chủ quyền phi pháp với phần lớn các vùng biển giàu tài nguyên tại khu vực trong cuộc tranh chấp 5 nước 6 bên gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".
Dù Nhật bản không có bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông, nhưng nước này có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Đầu tháng này, Đại sứ Trung Quốc ở Nhật Bản cáo buộc Tokyo và Washington coi Bắc Kinh là kẻ thù để tăng cường hợp tác an ninh. Tuyên bố được đưa ra sau khi chính quyền Trump thể hiện ý chí duy trì mối quan hệ đồng minh an ninh lâu đời với Nhật Bản, đặc biệt trong vấn đề biển Hoa Đông.
Hồi tháng 2, Trung Quốc đã nhắc nhở Mỹ rằng nước này có chủ quyền “cố hữu” ở các đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông sau khi Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis biểu hiện tiếp tục bảo vệ các vùng lãnh thổ thay mặt Nhật Bản.
Bắc Kinh cũng nhiều lần cảnh báo Washington và Tokyo vì cho rằng hai nước này can thiệp trực tiếp vào khu vực, dù là các cuộc tập trận quân sự hay tuần tra tự do hàng hải. Trung Quốc cũng thể hiện ý chí làm mọi việc trong khả năng để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.