Làm sâu sắc quan hệ đối tácCuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa ông Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ là lần gặp thứ ba trong một tháng qua. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Antalaya (Thổ Nhĩ Kỳ) và sau đó gặp nhau bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Kuala Lumpur (Malaysia). Nội dung chính của sự kiện tới là củng cố quan hệ vừa được nâng cấp lên tầm “Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu” hồi năm ngoái, trong đó đáng chú ý là thỏa thuận về việc Nhật Bản sẽ tham gia thường kỳ vào các cuộc tập trận hải quân Malabar (mà Ấn Độ tiến hành cùng với Mỹ). Hồi tháng 10 vừa qua, Nhật Bản đã lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận này kể từ khi được mời năm 2007. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi quan điểm về một lá chắn tên lửa đạn đạo, trong đó Nhật Bản đầu tư 81 tỷ USD. Đây là mối quan tâm chung của hai nước: trong khi Nhật Bản lo ngại một vụ tấn công tên lửa từ Triều Tiên, Ấn Độ cũng lo ngại những cuộc tấn công tương tự từ Pakistan, thậm chí từ Trung Quốc.
Thủ tướng Abe (trái) và Thủ tướng Modi trong một cuộc gặp năm 2014. Ảnh: Reuters |
Một điểm nhấn khác trong chuyến thăm tới là thỏa thuận quốc phòng Ấn - Nhật, theo đó Ấn Độ mua 12 thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản, đồng thời thành lập liên doanh sản xuất US-2 tại Ấn Độ. Thương vụ mua bán quốc phòng đầu tiên này nếu thành công sẽ mở ra cơ hội cho hai nước tăng cường mạnh mẽ quan hệ quốc phòng song phương, bao gồm cả việc nghiên cứu, sản xuất và phát triển các thiết bị quốc phòng theo sáng kiến Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ) - một trọng tâm phát triển kinh tế của chính quyền Thủ tướng Modi.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thông báo một “sự thấu hiểu sâu sắc” về hợp tác hạt nhân dân sự. Các cuộc thảo luận gần đây giữa hai bên đã diễn ra khá tốt đẹp. Ấn Độ rất muốn ký kết hợp tác hạt nhân dân sự với Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ cho đà tăng trưởng kinh tế hiện đang ở mức nhanh nhất thế giới của mình. Trong khi đó, Nhật Bản nổi tiếng với hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen an toàn, tin cậy, và các công ty của nước này giàu kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân dân sự. Ngoài ra, hai bên cũng mong muốn đạt một thỏa thuận về hợp tác không gian trong bối cảnh Nhật Bản dự định phóng một tàu vũ trụ không người lái lên Mặt Trăng vào năm 2018.
Về kinh tế, ông Abe sẽ công bố khoản vay 15 tỷ USD với lãi suất ưu đãi để tài trợ tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Nhật Bản ở Ấn Độ. Nhật Bản đã được chọn để định giá khả thi công trình xây dựng tuyến đường dài 505 km nối Mumbai với Ahmedabad, thủ phủ thương mại của bang Gujarat - quê hương của ông Modi. Trong khi đó, Trung Quốc đã giành được hợp đồng định giá khả thi tuyến đường sắt cao tốc Delhi - Mumbai, dài 1.200 km. Hai dự án này là một phần của hệ thống đường sắt được gọi là “viên kim cương bốn cạnh” dài hơn 10.000 km mà Ấn Độ muốn thiết lập để kết nối Delhi - Mumbai - Chennai - Kolkata.
Sức nóng từ Đông Bắc Á sang Nam Á
Việc hai thủ tướng nỗ lực củng cố quan hệ kinh tế giữa hai nước không phải là mới. Cái mới trong chuyến thăm của ông Abe là phạm vi hợp tác trong quan hệ Ấn - Nhật sẽ được mở rộng.
Đối với Nhật Bản, thái độ ngày càng cương quyết của Trung Quốc tại Đông Á gần đây đã thúc đẩy Nhật Bản mở rộng hợp tác với Ấn Độ. Việc chính phủ Nhật Bản thay đổi từ quan điểm trước đây vốn chỉ hợp tác về kinh tế, sang hợp tác trong cả lĩnh vực quốc phòng có thể là một bàn đạp cho một quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ. Nếu Định hướng Quốc phòng Nhật Bản năm 2013 chỉ mang tính khuyến khích, thì hai tài liệu chiến lược sau đó (Chiến lược An ninh Quốc gia và Định hướng Quốc phòng năm 2014), được thông qua dưới chính quyền của ông Abe, đã xác định rõ một số lĩnh vực mà Nhật Bản muốn củng cố hợp tác với Ấn Độ trong tương lai gần. Định hướng Quốc phòng mới của ông Abe thừa nhận vai trò ưu tiên của Ấn Độ. Tài liệu này ghi rõ: “Nhật Bản sẽ củng cố quan hệ với Ấn Độ trong một loạt lĩnh vực từ an ninh hàng hải, đến tập trận và huấn luyện chung, cũng như cùng nhau thực thi các hoạt động hợp tác hòa bình quốc tế”.
Bản định hướng trên đã gửi đi thông điệp rõ ràng về tầm quan trọng của Ấn Độ trong các chiến lược quốc phòng của Nhật Bản, không chỉ về an ninh biển, mà bao trùm các lĩnh vực khác trong chính sách an ninh phòng vệ của Nhật Bản. Tương tự trong hợp tác kinh tế, nhân tố Trung Quốc cũng đã gây lo ngại trong quan hệ đối tác kinh tế chiến lược của Nhật Bản với Ấn Độ. Chuyến thăm của ông Abe và các loại viện trợ kinh tế trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở phần nào cũng xuất phát từ sức cạnh tranh ngày càng tăng của Trung Quốc sau khi Nhật Bản mất vào tay Trung Quốc hợp đồng thầu tuyến đường sắt cao tốc ở Indonesia hồi tháng 9.
Về phía Ấn Độ, sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã thể hiện rõ từ cuộc gặp giữa các ngoại trưởng Ấn - Nhật - Mỹ cuối tháng 9 vừa qua bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, và qua chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Modi tới Nhật Bản. Trong chuyến thăm này, ông Modi đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối bất kỳ quốc gia nào bành trướng trong khu vực. Sự thay đổi này càng rõ ràng hơn khi Ấn Độ có những bước đi cụ thể trong liên minh với Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Kể từ khi đắc cử đến nay, Thủ tướng Modi đã không thể cải thiện quan hệ với Pakistan, cũng như không tìm được sự đồng thuận với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biên giới. Nhưng ông đã thành công trong việc xích lại gần Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt là tỏ ra tích cực hơn trong khu vực Đông Nam Á, với một chính sách đối ngoại mới mang tên “Hành động ở phía Đông”, tiếp nối chính sách “Nhìn sang phía Đông”. Sự cạnh tranh kinh tế diễn ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản là tin tức tốt lành đối với Thủ tướng Modi, người đang đưa việc xây dựng cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới vào chương trình nghị sự đối nội của mình. Nếu có thể thực hiện tốt việc này, ông Modi sẽ huy động được sự hỗ trợ chưa từng thấy từ cả Trung Quốc và Nhật Bản. Quan trọng hơn, hoạt động tích cực mới của Nhật Bản sẽ giúp Ấn Độ giảm nhẹ một số mối đe dọa có thể cảm nhận được từ sự hiện diện kinh tế gia tăng của Trung Quốc ở trong và ngoài khu vực tiểu lục địa Ấn Độ. Giờ đây, với mối quan hệ đối tác với Nhật Bản, Ấn Độ có thể nghĩ đến các sáng kiến kết nối mới vững mạnh ở trong và ngoài nước.
Một tầm vóc mới cho quan hệ đối tác toàn diện Ấn - Nhật cũng sẽ được coi là cú hích mới cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Hai bên sẽ cùng nỗ lực để thành công của chuyến thăm này sẽ tạo ra xung lực mới về cả kinh tế và địa chính trị.