Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Nhân đạo thế giới 19/8, ông Rajasingham cho biết trên 460 nhân viên nhân đạo đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công trong năm ngoái, trong đó hơn 140 người đã thiệt mạng. Theo quan chức này, 98% trong số nạn nhân là các nhân viên nhân đạo quốc gia, những người đối mặt với nhiều nguy cơ nhất để phân phát các hỗ trợ cứu người. Ông nói: “Thật đáng buồn vì đây là số nhân viên nhân đạo thiệt mạng cao nhất kể từ năm 2013. Từ đầu năm đến nay, gần 170 nhân viên nhân đạo đã bị tấn công, trong đó 44 người đã thiệt mạng”.
Bà Tatiana Valovaya, Tổng giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva, khẳng định việc các nhân viên nhân đạo trên khắp thế giới trở thành mục tiêu tấn công chỉ vì những việc họ đang làm là điều không thể chấp nhận được. Bà cho biết: “Thế giới hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức và khủng hoảng đan xen – xung đột bạo lực, biến đổi khí hậu, khủng bố lan rộng, căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc hạt nhân và nước phi hạt nhân, bất công gia tăng, sự mất uy tín toàn cầu, chia rẽ về kỹ thuật số và tình trạng hỗn độn trên không gian mạng”. Bà nhấn mạnh rằng các thách thức này và còn nhiều thách thức khác nữa đang ngày càng phức tạp hơn trong tương lai, đặt ra nhu cầu nhân đạo nhiều hơn, vì vậy đòi hỏi nhiều người giúp đỡ hơn.
Ngày 19/8/2003, một vụ đánh bom vào khách sạn Canal ở thủ đô Baghdad của Iraq đã làm 22 nhân viên hỗ trợ nhân đạo thiệt mạng, trong đó có Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ tại Iraq Sergio Vieira de Mello. 5 năm sau, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết coi ngày này là Ngày Nhân đạo Thế giới.