Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời nhà virus học Schmidt-Chanasit cho rằng ngay cả những người đã tiêm đủ vẫn có thể bị nhiễm và lây virus cho người khác dù khả năng này thấp hơn. Phát biểu trên Đài phát thanh Đức ngày 6/11, ông Schmidt-Chanasit nhấn mạnh biện pháp an toàn thực sự chỉ có quy tắc 1-G (đã xét nghiệm), có nghĩa tất cả mọi người đều cần phải làm xét nghiệm trước khi muốn vào/tham dự các sự kiện, nhà hàng, tiệm làm tóc... trong không gian kín, dù họ đã tiêm phòng, chưa tiêm hoặc đã khỏi bệnh. Quy tắc này cần được áp dụng trước hết cho các lĩnh vực rủi ro với những người dễ bị nguy hiểm. Theo ông, không nên bỏ đi công cụ xét nghiệm quan trọng này, đồng thời chỉ trích việc giới chức y tế Đức đã bãi bỏ việc xét nghiệm miễn phí cho công dân từ giữa tháng 10 vừa qua.
Phát biểu của chuyên gia Đức nêu trên được đưa ra trong bối cảnh đang có những tranh luận và những khác biệt ở Đức về quy định phòng dịch, trong đó hầu hết áp dụng quy tắc 3-G (cho phép tham gia các sự kiện với những người đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh và đã làm xét nghiệm có kết quả âm tính), song cũng có nơi áp dụng quy tắc 2-G khi tình hình dịch nghiêm trọng hơn. Từ ngày 8/11 tới, bang Sachsen của Đức sẽ là bang đầu tiên áp dụng bắt buộc trên toàn bang quy tắc 2-G khi tham gia đời sống xã hội. Trước đó, bang Baden-Württemberg đã áp đặt quy tắc 3-G+, có nghĩa chỉ nới lỏng quy định với những người đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh và đã xét nghiệm PCR (không phải xét nghiệm nhanh như trước) có kết quả âm tính. Bên cạnh đó, người chưa tiêm cũng đối mặt với nhiều hạn chế, trong đó có hạn chế tiếp xúc. Giới chức Berlin cũng thông báo sẽ tăng cường lực lượng an ninh và cảnh sát để kiểm soát chặt việc tuân thủ các quy tắc 3-G và 2-G. Không chỉ Đức, Cộng hoà Áo cũng đã thông báo sẽ áp dụng quy tắc 2-G từ ngày 8/11 tới.
Theo thông báo của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua nước Đức ghi nhận có thêm trên 34.000 ca mắc mới và 142 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trên cả nước tăng lên trên 183,7.