Theo đài RT (Nga), kế hoạch không nêu rõ Mỹ dự định đầu tư bao nhiêu USD ở châu Phi. Thay vào đó, bản kế hoạch đã phác thảo các mục tiêu chính sách rộng lớn hơn của Washington ở châu lục này. Trong đó, một số mục tiêu có nội dung tương tự kế hoạch Đối tác Cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá 600 tỉ USD do lãnh đạo các quốc gia G7 công bố hồi tháng 6.
Mỹ cho biết quốc gia này sẽ kiến tạo các xã hội thẳng thắn và cởi mở, bằng cách thúc đẩy nền dân chủ và sáng kiến chống tham nhũng, thúc đẩy quyền của phụ nữ và cộng đồng LGBT, thúc đẩy phục hồi hậu đại dịch bằng cách cung cấp vaccine COVID-19, hỗ trợ thích ứng với khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng nhờ việc giảm lượng khí thải carbon và đầu tư vào việc khai thác khoáng sản cần thiết cho công nghệ năng lượng xanh.
Theo giới chuyên gia, chiến lược của Mỹ đang cạnh tranh với tầm nhìn của Trung Quốc ở châu Phi mà Bắc Kinh cho rằng đã mang lại kết quả tích cực. Vào tuần trước, hãng Bloomberg đưa tin kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng 35% vào năm 2021 lên 254 tỷ USD. Trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh đã xây dựng các cảng, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác ở 43 quốc gia ở châu Phi hạ Sahara.
Mặc dù tốc độ đầu tư đã chậm lại kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công vào năm 2020, Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay khoảng 126 tỷ USD từ năm 2001 đến 2018, chi 41 tỷ USD cho đầu tư trực tiếp nước ngoài tại khu vực này, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) có trụ sở tại Mỹ.
FPRI cảnh báo dòng vốn đầu tư này có khả năng khiến các nhà lãnh đạo châu Phi đứng về phía Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế. Và chiến lược mới nhất của Mỹ đã nêu bật những lo ngại đó. Tài liệu chiến lược mới nêu rõ Bắc Kinh “coi châu Phi là đấu trường quan trọng để thúc đẩy các lợi ích địa chính trị và thương mại hạn hẹp của riêng mình, đồng thời làm suy yếu mối quan hệ của Mỹ với các dân tộc và chính phủ châu Phi”.
Washington cũng nghi ngại Nga làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Phi. Theo chiến lược mới, Moskva “đang tận dụng các mối quan hệ an ninh và kinh tế, cũng như thông tin sai lệch để giảm bớt sự phản đối của các nước châu Phi đối với việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine”. Khoảng một nửa các quốc gia châu Phi đã từ chối ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm lên án các hành động của Nga ở Ukraine. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào trên lục địa tham gia áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây.
Phụ thuộc vào cả Ukraine và Nga trong việc nhập khẩu lương thực, các nhà lãnh đạo châu Phi đã chọn duy trì quan điểm trung lập trong xung đột giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, vào tháng 6, khi Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky phát biểu trước Liên minh châu Phi, chỉ có 4 trong số 55 nguyên thủ của châu lục này xuất hiện để lắng nghe. Sau cuộc họp trực tuyến, Tổng thống Senegal và Chủ tịch Liên minh châu Phi Macky Sall chỉ ra rằng quan điểm trung lập của châu Phi đối với cuộc xung đột vẫn không thay đổi.
Trong bối cảnh này, Mỹ cho biết họ sẽ yêu cầu Lầu Năm Góc tiếp cận với quân đội châu Phi. Theo chiến lược mới, Bộ Quốc phòng “sẽ cùng các đối tác châu Phi đánh giá ảnh hưởng trái chiều của Nga và Trung Quốc ở châu Phi.” Song Lầu Năm góc không giải thích họ sẽ làm như thế nào để đạt được mục tiêu đó.
Khi được hỏi liệu Mỹ có trừng phạt các quốc gia châu Phi tiếp tục hợp tác với Nga hay không, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng bà sẽ cảnh báo các công ty không nên can dự với các quốc gia đã bị Mỹ trừng phạt.
Bình luận về nhận xét của bà Thomas-Greenfield, một bài báo trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc viết: “Các doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành một lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở châu Phi. Điều này đã khiến Mỹ phải xem xét lại thị trường châu Phi từ góc độ cạnh tranh. Đưa châu Phi đến con đường đối đầu hoặc một cuộc Chiến tranh Lạnh mới chắc chắn sẽ dẫn đến một thảm họa ở châu lục này”.