Theo báo Business Insider, người dân hiện đeo khẩu trang y tế khó có thể giữ nguyên trên mặt. Người đeo thường xuyên chạm vào khẩu trang trên mặt để điều chỉnh, di chuyển khẩu trang để gãi mặt và thường xuyên cởi ra đeo vào. Chính những hành động như vậy lại khiến các loại vi khuẩn, virus trên bề mặt khẩu trang đi vào cơ thể người. Giới chuyên gia cho rằng đối với phần lớn người dân bên ngoài thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), khẩu trang không có khả năng bảo vệ trước nạn dịch virus Corona (nCoV) hoành hành.
Mới đây, Hyo-Jick Choi - một kỹ sư y sinh học đồng thời là giáo sư tại Đại học Alberta (Canada) tuyên bố ông có một giải pháp tiềm năng: một chiếc khẩu trang có khả năng tiêu diệt những mầm bệnh gây hại, thay vì chỉ ngăn chặn chúng. Thành phần bí mật trong chiếc khẩu trang đó là muối tinh.
Do cấu trúc phân tử của muối là tinh thể, những góc sắc nhọn, cứng trong phân tử muối có thể cắt xuyên qua virus, khiến chúng không thể sống sót, Giáo sư Choi giải thích.
Đội ngũ của ông đã thử nghiệm khẩu trang phủ muối trong phòng thí nghiệm mấy năm qua, và phát hiện ra rằng chúng có thể vô hiệu hóa 3 chủng virus cúm. Nhóm nghiên cứu đã lần đầu công bố kết quả này trên tạp chí Scientific Reports vào năm 2017.
Họ nghĩ công nghệ vô hiệu hóa mầm bệnh có thể cải thiện đáng kể các nỗ lực phòng chống bệnh truyền nhiễm và hy vọng sẽ sản xuất khẩu trang ra thị trường trong vòng 18 tháng tới.
Khẩu trang phủ muối hoạt động ra sao?
Virus và các mầm bệnh khác lây lan qua không khí, trong các giọt nhỏ li ti như nước bọt, đờm khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hay thở; hay trên các bề mặt tiếp xúc.
“Chất dịch mang theo virus Corona bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, thở có thể bám trên bề mặt khẩu trang. Thách thức về chuyên môn lớn nhất hiện giờ đối với khẩu trang y tế chuyên dụng và N95 là chúng không thể tiêu diệt virus trên bề mặt, từ đó làm gia tăng cơ hội cho việc lây truyền qua tiếp xúc”, Giáo sư Choi nhận định.
Tuy nhiên, nếu dịch chứa virus gặp khẩu trang phủ muối của nhóm ông Choi, dịch đó sẽ hút muối. Một khi dịch bốc hơi, chỉ còn lại virus và muối tinh thể sẽ “cắt nhỏ” virus, vô hiệu hóa nó. Quá trình này diễn ra cùng lúc với quá trình nước bốc hơi. Trong các thí nghiệm trước đó, các nhà khoa học nhận ra “virus sẽ bị vô hiệu hóa trong 5 phút và bị phá hủy hoàn toàn trong 30 phút”.
Giáo sư Choi cho biết mình lên ý tưởng chế tạo một khẩu trang phủ muối từ thất bại của một thí nghiệm khác. Ông tìm cách chế vắc-xin uống bằng miệng để dễ hơn so với việc tiêm ngừa. Như một phần của quá trình, một chủng virus yếu đã được trộn vào dung dịch đường. Nhưng cấu trúc phân tử của đường không thể cắt các phần tử virus, khiến vắc-xin không hiệu quả.
"Sự hình thành tinh thể trong các công thức chế từ đường làm mất tính ổn định vắc-xin", Ilaria Rubino, sinh viên theo học bằng tiến sĩ thuộc Đại học Alberta trong nhóm thí nghiệm của Giáo sư Choi, phát biểu.
Giáo sư Choi cho biết ông hiện đã có bằng sáng chế tạm thời về công nghệ khẩu trang phủ muối này, và sớm đưa ra thị trường với quy mô thương mại.
“Một trong những ưu điểm của phương pháp này là không quá phức tạp. Chỉ cần nguồn vốn đầu tư thấp và bản thân nguyên liệu muối cũng không đắt”, đồng nghiệp Rubino cho hay, bày tỏ hy vọng nhóm nghiên cứu tiếp tục phối hợp với các công ty bắt đầu sản xuất thiết bị này trong hai năm tới. "Điều này đồng nghĩa với việc khẩu trang phủ muối có thể được dự trữ để chuẩn bị cho đại dịch và dịch bệnh. Chúng có thể dễ dàng được sử dụng tại thời điểm bùng phát, bất kể bệnh là gì”.