Tờ Telegrapha cho biết, Quốc vương Maroc đã từ chối các cam kết viện trợ từ Pháp trong bối cảnh căng thẳng lịch sử từ thời thuộc địa giữa hai nước và rạn nứt chính trị ngày càng sâu sắc với Tổng thống Emmanuel Macron.
Vua Mohammed VI, nổi tiếng với mối quan hệ lạnh nhạt với Tổng thống Pháp, đã không đáp lại lời đề nghị từ các nhóm viện trợ Pháp và chính phủ Pháp về hỗ trợ các nạn nhân của trận động đất mạnh 6,8 độ, trận mạnh nhất tấn công Maroc trong một thế kỷ qua.
Các nhân viên cứu trợ Pháp đã bày tỏ sự thất vọng trước việc không được chính quyền Maroc bật đèn xanh để vào nước này và làm việc, trong bối cảnh số người chết trong thảm họa xảy ra đêm 8/9 đã vượt quá 2.800 nạn nhân.
Ông Arnaud Fraisse, người sáng lập nhóm viện trợ Pháp "First Responders Without Borders" (Những người ứng phó đầu tiên Không biên giới) cho biết: “Thật đáng tiếc, chúng tôi vẫn chưa nhận được sự đồng ý từ chính phủ Maroc”. Fraisse nói thêm rằng ông không biết lý do của việc này.
Cuối ngày 11/9, ông Fraisse đã rút lại lời đề nghị tới Maroc vì cái gọi là "thời gian vàng", khoảng thời gian mà hầu hết nạn nhân động đất được tìm thấy còn sống, đã trôi qua. Ông nói với hãng tin AP: “Vai trò của chúng tôi không phải là tìm kiếm thi thể".
Quyết định từ chối đề nghị của Pháp được đưa ra sau khi một đội gồm 60 chuyên gia cứu hộ và bốn chú chó tìm kiếm của Anh đã đến Maroc trên hai máy bay A400M của Không quân Hoàng gia Anh.
Thái độ lạnh lùng từ nhà cầm quyền Maroc đã khiến các nhân viên cứu trợ người Pháp ngạc nhiên. Đội ngũ này tin tưởng rằng họ sẽ có đủ điều kiện để hỗ trợ nhờ chuyên môn kỹ thuật và thực tế là tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi ở Maroc.
Maroc có nhiều mối bất bình lịch sử với Pháp, quốc gia từng cai trị đất nước Bắc Phi này cho đến khi họ giành được độc lập vào năm 1956.
Ông Pierre Vermeren, nhà sử học người Pháp và giáo sư tại Đại học Sorbonne, cho biết việc từ chối cứu trợ động đất là một “dấu hiệu chính trị rõ ràng”.
Ông nói với hãng tin AFP: “Chúng tôi biết tài ngoại giao của Vua Mohammed VI. Ông ấy thích gửi thông điệp, biểu thị nhẹ nhàng khi nào tức giận.”
Ngoài những căng thẳng về thuộc địa, mối quan hệ hiện tại giữa Tổng thống Macron và Nhà vua Maroc đang ở mức khá xấu.
Chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Pháp tới Maroc đã nhiều lần bị trì hoãn và chức vụ Đại sứ Maroc tại Pháp đã bị bỏ trống trong nhiều tháng. Trong khi đó, Maroc đang gây áp lực buộc Pháp phải công nhận khu vực tranh chấp Tây Sahara là lãnh thổ của nước này.
Những nỗ lực của ông Macron nhằm tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với nước láng giềng Algeria, nước mà Maroc coi là đối thủ lớn trong khu vực, cũng được cho là đã khiến Quốc vương Maroc khó chịu.
Hôm 11/9, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã bác bỏ ý kiến cho rằng Maroc coi thường Pháp, và nhấn mạnh rằng việc Maroc chọn xử lý các yêu cầu viện trợ như thế nào là tùy thuộc vào nước này.
“Maroc là người làm chủ các lựa chọn của mình, những lựa chọn này phải được tôn trọng", bà Colonna nói, cho rằng cuộc tranh luận ở Pháp về việc các nhà lãnh đạo ở thủ đô Rabat coi thường Paris là “không phù hợp”.
Bà nói thêm, Pháp đã cam kết 5 triệu euro để hỗ trợ và các nhóm cứu hộ đã có mặt ở Maroc. Đức cũng đã cam kết hỗ trợ Maroc mà không nhận được phản hồi, nhưng các quan chức Đức khẳng định không có cơ sở chính trị nào cho việc này.
Trong khi đó, Tây Ban Nha đã cử 86 nhân viên cứu hộ đến Maroc sau khi Rabat chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ của họ, trong khi các quốc gia vùng Vịnh Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đang cử chuyên gia đến.
Các quan chức Maroc cho biết họ đang đánh giá các yêu cầu viện trợ vì “sự thiếu phối hợp có thể phản tác dụng”.
Truyền thông Pháp đưa tin Vua Mohammed VI đang ở Pháp khi trận động đất xảy ra nhưng ông ngay lập tức quay trở lại nước mình.
Trận động đất mạnh 6,8 độ có tâm chấn nằm ở vùng Ighil hẻo lánh, cách thành phố Marrakesh hơn 70km. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), động đất không phổ biến ở khu vực Bắc Phi, do đó Maroc không thực sự sẵn sàng ứng phó với cơn địa chấn mạnh như vậy. Hầu hết công trình ở Maroc, nhất là vùng nông thôn và các thành phố cổ, không được thiết kế để chống chọi với một trận động đất mạnh.
Các trận động đất thời gian qua ở Maroc xảy ra là do sự dịch chuyển của mảng kiến tạo châu Phi và mảng Á - Âu. USGS cho rằng trận động đất đêm 8/9 là do "sự đứt gãy ở độ sâu nhỏ trong dãy núi High Atlas của Maroc".