Thay vào đó, bác sĩ Kim mở phòng khám mới chủ yếu điều trị các vấn đề về da và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bác sĩ Kim không phải trường hợp duy nhất. Theo một báo cáo gần đây do Cơ quan Đánh giá và Giám định Bảo hiểm Y tế Hàn Quốc công bố, trong 5 năm qua, cứ 10 phòng khám nhi khoa ở Seoul thì có 1 phòng khám đã đóng cửa.
Các bác sĩ trong lĩnh vực thiết yếu như nội khoa, phẫu thuật và sản phụ khoa tại Hàn Quốc đều từng đề cập đến thách thức tài chính khi theo đuổi lĩnh vực quan trọng này. Họ cũng nhắc đến tương phản rõ rệt với đồng nghiệp trong mảng sinh lợi nhiều hơn là da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ.
Giáo sư Kim Yoon tại Đại học Y khoa Quốc gia Seoul, chia sẻ với các phương tiện truyền thông địa phương: “Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các bác sĩ Hàn Quốc có mức lương trung bình cao ngất ngưởng so với đồng nghiệp ở quốc gia khác. Tuy nhiên, bác sĩ trong các lĩnh vực thiết yếu, đặc biệt là những người làm việc tại các bệnh viện đại học hoặc bệnh viện đa khoa, nhận lương thấp hơn trong khi phải làm việc nhiều giờ hơn và vất vả hơn”.
Cách nhanh nhất để một bác sĩ bắt đầu kiếm sống ngay sau khi tốt nghiệp trường y ở Hàn Quốc là mở một phòng khám, đặc biệt là phòng khám da, với tư cách là bác sĩ đa khoa. Bằng cách này, các bác sĩ có thể “nhảy cóc” 5 đến 6 năm đào tạo trong vai trò thực tập sinh và nội trú để được nhận giấy phép chuyên môn.
Theo truyền thông địa phương, bác sĩ đa khoa làm việc tại các phòng khám da thường kiếm được 10 triệu won/tháng chỉ cần làm việc ba ngày một tuần và 14 triệu won nếu họ làm việc năm ngày một tuần. Với thu nhập hấp dẫn như vậy, nhiều bác sĩ đa khoa đã mở phòng khám da liễu. Theo Cơ quan Đánh giá và Giám định Bảo hiểm Y tế Hàn Quốc, trong số 979 phòng khám do các bác sĩ đa khoa mở từ năm 2018 đến năm 2022, có 86% là phòng khám da liễu.
Dịch vụ của các phòng khám da liễu thường không được Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHIS) chi trả, tạo điều kiện cho các bác sĩ định giá dựa trên giá thị trường không có mức trần. Ngược lại, các phương pháp điều trị do NHIS chi trả có mức giá được niêm yết trước, khiến các bác sĩ khó thay đổi chúng. Ví dụ, như là các phòng khám nhi khoa không thể cung cấp các phương pháp điều trị đắt tiền như phòng khám da liễu. Thay vào đó, họ kiếm doanh thu chủ yếu từ phí tư vấn trung bình 13.000 won cho mỗi bệnh nhân.
Có đến 38 trong số 50 bệnh viện đại học (tương đương 76%) tại Hàn Quốc không có một bác sĩ nhi khoa nào tính đến nửa đầu năm 2023, vì không có ứng viên.
Ông Kim Sung-ju thuộc Đảng Dân chủ Hàn Quốc nhận xét: “Hàng nghìn bác sĩ tốt nghiệp trường y mỗi năm, nhưng dù số lượng bác sĩ có tăng bao nhiêu thì vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm trong các lĩnh vực thiết yếu. Còn số lượng bác sĩ chuyên khoa da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ sẽ tiếp tục tăng”.
Nhiều nhân viên y tế đã phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường y tại Hàn Quốc kể từ năm 2025. Họ cho rằng nó sẽ không phải là giải pháp. Bà Na Soon-ja, người đứng đầu Liên đoàn Nhân viên Y tế Hàn Quốc, bao gồm các y tá, nhân viên viện dưỡng lão… nhận xét: “Tăng chỉ tiêu sinh viên y khoa cho các trường y sẽ không phải là giải pháp đủ để cung cấp bác sĩ cho vùng nông thôn và các lĩnh vực không phổ biến nhưng thiết yếu”.
Bà Na cho rằng các chính sách khác, chẳng hạn như thành lập trường y công lập với mức học phí rẻ đổi lại yêu cầu sinh viên sau khi ra trường phải làm trong những lĩnh vực thiết yếu tại vùng nông thôn là cần thiết để thu hút bác sĩ đến các lĩnh vực quan trọng nhưng không được ưa chuộng.