Theo Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc, ngày 8/12 quốc gia này đã ghi nhận thêm 594 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 38.755 người.
Số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao đã buộc các cơ quan y tế phải nâng mức giãn cách xã hội thêm một bậc lên 2,5 (mức cao thứ 4 trong thang cảnh báo gồm 5 cấp độ) tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Các khu vực còn lại áp dụng quy định giãn cách xã hội ở Cấp độ 2 tùy theo tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Quy định mới này chính thức có hiệu lực từ 0h ngày 8/12 tới và kéo dài trong 3 tuần.
Tờ Straits Times đưa tin giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo số bệnh nhân mới hàng ngày có thể lên đến trên 900 người vào tuần sau nếu tốc độ lây nhiễm vẫn duy trì như hiện nay.
Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Neung-hoo cho biết thủ đô Seoul đang ở trong “tình trạng chiến tranh” chống lại virus SARS-CoV-2. “Trừ khi chúng ta ngăn chặn được virus lây lan, chúng ta sẽ chứng kiến một đợt bùng nổ số ca lây nhiễm và hệ thống y tế của đất nước sẽ đổ sụp”, ông Park cảnh báo.
Tại buổi họp cùng nhóm cố vấn hôm 7/12, ông Moon Jae-in đã yêu cầu chính phủ huy động “mọi nhân sự sẵn có”, từ công chức đến những người trong quân đội và cảnh sát, để hỗ trợ tại chỗ cho các cuộc điều tra dịch tễ bắt đầu từ tuần này.
Theo Nhà Xanh, ông Moon cũng nhấn mạnh sự cần thiết thành lập thêm nhiều trạm xét nghiệm kiểu lái xe tạt qua, đồng thời kéo dài thêm giờ làm việc của các cơ sở xét nghiệm nhằm tạo điều kiện cho nhóm công chức và thanh niên đến kiểm tra thuận tiện hơn.
Tổng thống Hàn Quốc cũng chỉ đạo các quan chức thúc đẩy việc sử dụng xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả trong 15 phút, nhanh gọn nhiều so với khoảng thời gian 6 tiếng mà biện pháp xét nghiệm phản ứng chuỗi enzim (PRC) yêu cầu.
Trong diễn biến liên quan, hãng thông tấn Yonhap đưa tin hôm 8/12, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết đã đặt trước 64 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho 34 triệu người. Trong đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ mua 20 triệu liều của AstraZeneca, Pfizer và Moderna (yêu cầu tiêm 2 mũi) và 4 triệu liều của Johnson&Johnson's (yêu cầu tiêm 1 mũi).
Ngoài ra, thêm 10 triệu dân Hàn Quốc sẽ được tiêm phòng theo dự án tiêm chủng toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động. Dự án này sẽ cung cấp vaccine AstraZeneca, Pfizer và Sanopi.
Bộ trên cho biết cơ quan này đã ký hợp đồng với AstraZeneca và sẽ ký hợp đồng với ba hãng dược phẩm còn lại trong tháng này. 64 triệu liều vaccine đặt trước trên, đủ để sử dụng cho 88% dân số Hàn Quốc, sẽ được chuyển đến quốc gia Đông Bắc Á sớm nhất là tháng 2/2021. Tuy nhiên, bộ trên vẫn chưa công bố thời điểm triển khai chương trình tiêm chủng.
Bộ trưởng Park Neung-hoo phát biểu tại cuộc họp ngày 8/12: “Vì các loại vaccine vẫn chưa phát triển hoàn tất cũng như còn tồn tại lo ngại về tính hiệu quả và an toàn của chúng, chúng tôi sẽ quyết định linh hoạt kế hoạch tiêm vaccine dựa trên nhiều yếu tố”.
Trước đó, giới chức y tế Hàn Quốc bày tỏ mong muốn bắt đầu chương trình vaccine vào nửa cuối năm sau nhằm chuẩn bị quy trình cũng như theo dõi những tác dụng phụ tiềm tàng của vaccine COVID-19 tại các quốc gia khác.
Nhóm đối tượng dễ bị virus SARS-CoV-2 tấn công như người già, người sống trong nhà dưỡng lão và nhân viên y tế tuyến đầu, sẽ được ưu tiên tiêm trước. Tiếp theo là phần dân số còn lại dựa trên mức độ rủi ro, trong đó có những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc sẽ lập một lực lượng chuyên trách để quản lý chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 quy mô lớn trên toàn cả nước, trong đó có giám sát chuỗi cung ứng lạnh để vận chuyển vaccine. Giới chức y tế hy vọng vaccine cùng các biện pháp điều trị COVID-19 sẽ giúp làm chậm lại tốc độ lây lan của virus, đồng thời chữa trị cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm.
Ông Park nói: “Một khi các biện pháp điều trị trong nước được thương mại hóa vào đầu năm 2021, chúng sẽ cho phép phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm COVID-19 cũng như có thể thiết lập hệ thống chống virus của quốc gia”.
Công ty dược phẩm Celltrion của Hàn Quốc đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt khẩn cấp đối với phương pháp điều trị virus bằng kháng thể. Celltrion cho biết phương pháp này có thể bảo vệ người bệnh ở thể nhẹ không phát triển thành thể nặng.
Kế hoạch mua vaccine được đưa ra trong bối cảnh đất nước Hàn Quốc đang phải vật lộn với làn sóng đại dịch thứ ba bùng phát bởi hoạt động tụ tập cá nhân của người dân cũng như tại các cơ sở dễ lây nhiễm.