Theo Nhật báo Hàng Châu đưa tin, hiện nay việc sử dụng dịch vụ AI để có thể "gặp lại" người thân đã qua đời ngày một trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Mọi người sẵn sàng chi từ 5.000 (hơn 17 triệu đồng) đến 10.000 nhân dân tệ (hơn 34 triệu đồng) cho các dịch vụ tái hiện hình ảnh người đã khuất.
Zhang Zewei - Người sáng lập công ty AI Super Brain cho biết, công nghệ này có thể tạo ra những hình mẫu cơ bản có khả năng bắt chước lối suy nghĩ và lời nói của người quá cố.
Kể từ khi thành lập công ty vào tháng 5/2023 tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, nhóm của anh đã giúp hàng nghìn gia đình "hồi sinh" người thân đã khuất của họ về mặt kỹ thuật số chỉ sau 30 giây nhập dữ liệu. Hơn một nửa số khách hàng của AI Super Brain là cha mẹ già mất con.
Zhang Zewei cho biết: "Có rất nhiều người có nhu cần giải quyết vấn đề về mặt cảm xúc ở Trung Quốc, điều này mang lại cho chúng tôi lợi thế trên thị trường".
Vì trên thực tế, mỗi khách hàng đều có những nhu cầu khác nhau nên công ty sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn phù hợp với từng nhu cầu.
Chữa lành bằng AI là trí tuệ nhân tạo sẽ mô phỏng hành động và cách nói chuyện, tạo lập hình ảnh 3D thông qua các đoạn ghi âm và video được cung cấp. Nhóm của Zhang Zewei đến nay đã cung cấp thành công dịch vụ chữa lành bằng AI cho hơn 600 gia đình.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu người thân cung cấp hình ảnh, video và đoạn ghi âm của người đã khuất. Dữ liệu được cung cấp càng nhiều thì hiệu quả tái hiện càng tốt.
Ông Wu - một trong những khách hàng của Zhang, vẫn rất đau buồn trước cái chết của người con trai qua đời vì đột quỵ ở tuổi 22 khi du học tại Anh năm 2022. Vợ chồng ông cảm thấy được an ủi hơn sau khi có được một hình ảnh tái tạo cơ bản có khả năng mô phỏng dáng hình và giọng nói của con trai mình.
"Con trai" AI của ông Wu nói: "Tạm biệt bố mẹ thân yêu của con. Con hy vọng có thể luôn đồng hành cùng bố mẹ, mang đến cho bố mẹ sự ấm áp và tình yêu thương". Và ông Wu cho rằng đó là một cách khác giúp gia đình ông có thể được đoàn tụ dù âm dương cách biệt.
Câu chuyện đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người tỏ ra hào hứng và ủng hộ công nghệ mới này và cho rằng nó thực sự có tác dụng chữa lành cho những người không may mất đi người thân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác bày tỏ: "Liệu cứ giả vờ như không ai mất đi có làm họ bớt đau đớn không?" hay "Điều này có thực sự tốt không? Tôi nghĩ mọi người phải cố gắng tiếp tục cuộc sống của mình mà không có những người thân yêu đã mất".