Người phụ nữ mắc kẹt giữa cuộc chiến chuyển giao chính quyền Trump-Biden

Là Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Công (GSA), bà Emily Murphy đang phải chịu sức ép từ nhiều phía liên quan tới việc xác nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

Rơi vào thế khó

Chú thích ảnh
Bà Emily Murphy nắm trong tay thẩm quyền pháp lý để bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới. Ảnh: New York Times

Sức ép từ các giám sát viên bầu cử, đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa, Hiệp hội Y khoa Mỹ và từ người tiền nhiệm đang bủa vây bà Emily Murphy. Bà cần ký xác nhận người chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 3/11 là ai giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden. Đó là điều kiện cần thiết để giải ngân 6,6 triệu USD trong quỹ liên bang và các nguồn lực khác cho người thắng cử. Thế nhưng, bà Murphy vẫn chưa hề ký giấy chứng nhận cho ai. 

Mặc dù truyền thông dự đoán ông Biden chiến thắng áp đảo, nhưng ông Trump vẫn từ chối công nhận kết quả trên. Đội ngũ pháp lý đại diện cho ông Trump đang khiếu kiện tại các bang chiến địa vì cho rằng hệ thống bầu cử bị gian lận. 

Nhiệm vụ chính của bà Murphy là phát lương, cấp văn phòng làm việc, địa chỉ hòm thư điện thử chính thức và các cuộc họp tình báo cho một chính quyền mới. Chính quyền này sẽ chính thức tiếp quản sau lễ tuyên thệ của ông Joe Biden vào ngày 20/1/2021. Một người phát ngôn của GSA cho biết: “Bà Murphy sẽ ký giấy công nhận ngay khi xác định rõ ràng người chiến thắng theo Hiến pháp đề ra. 

Theo nguồn tin thân cận của CNN, nữ giám đốc tâm sự bản thân đang phải gánh chịu sức nặng của cuộc bầu cử tổng thống. Bà cảm thấy bị đặt vào tình thế thảm bại. Các nguồn tin cho biết bà Murphy đang cân nhắc đưa ra quyết định dựa trên tình thế tương tự mà người tiền nhiệm từng xử lý trong cuộc bầu cử năm 2000. Lúc đó, nước Mỹ chưa biết rõ người thắng cử là ai trong hơn 1 tháng. 

Việc trì hoãn chuyển giao quyền lực diễn ra trong bối cảnh COVID-19 hoành hành Mỹ. Ông Biden nói với những người ứng cứu khẩn cấp, y tá và các nhân viên tuyến đầu khác tại một sự kiện trực tuyến ở Washington: "Nếu không sớm chuyển giao, chúng ta sẽ bị chậm lại vài tuần hoặc vài tháng". 

Làn sóng lây nhiễm virus SARS-COV-2 đang gây thiệt hại nặng nề tại Mỹ. Tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay của quốc gia này đã vượt mốc 250.000 người hôm 18/11. 

Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy đã mô tả về “tình hình điên cuồng” khi ông trao đổi hàng với nhóm chuyên gia xử lý đại dịch của Nhà Trắng. Ông tiết lộ có kênh liên lạc riêng với ban xử lý của ông Biden. Ông Murphy nói với CNN: "Hai bên không làm việc với nhau. Và đó là một vấn đề lớn, có thể khiến cả việc phân phối vaccine gặp rủi ro, thậm chí dẫn đến thêm nhiều người tử vong”. 

Ông Joe Biden, ứng cử viên được truyền thông Mỹ dự đoán thắng cử năm 2020, khẳng định cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại nước này đang bị cản trở do chậm trễ chuyển giao quyền lực.

Hãng Reuters dẫn phát biểu của chính trị gia Joe Biden ngày 18/11 cho biết nhóm chuyển giao của ông không được tiếp cận với những thông tin về tình hình COVID-19, trong đó có số liệu thời gian thực về thiết bị bảo vệ cá nhân cũng như kế hoạch phân phối vaccine phòng ngừa. 

Sau khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump kiên quyết phủ nhận kết quả bỏ phiếu, ông Biden khẳng định GSA là trở ngại lớn nhất đối với những nỗ lực trong cuộc chiến chống dịch bệnh.  “Có quá nhiều thứ mà chúng tôi không được tiếp cận”, ông nói. 

Năm 2000 khác năm 2020

Chú thích ảnh
Chủ nhân chính thức của Nhà Trắng năm 2021 vẫn chưa được chính thức công bố. Ảnh: EPA

Văn phòng GSA cho biết bà Emily Murphy đang tham vấn người tiền nhiệm Dave Barram. Nhân vật này từng công nhận ông George W. Bush là người thắng cử năm 2000 muộn 5 tuần sau ngày tổng tuyển cử. 

Trong khi kết quả năm 2000 chỉ chênh lệch 537 phiếu bầu tại một bang là Florida, năm nay ông Trump cần phải đảo ngược biên độ lớn mà ông Biden đạt được tại 3 trong số 4 bang chiến địa có tỷ lệ bỏ phiếu sít sao. Đây là điều các chuyên gia bầu cử cùng không ít nghị sĩ đảng Cộng hòa cho là bất khả thi. 

GSA không nêu thời điểm bà Murphy sẽ đưa ra kết luận. Cơ quan này cũng không phản hồi bức thư chất vấn tương tự của Quốc hội, theo lời một quan chức tại Tiểu ban Hoạt động Chính phủ của Hạ viện Mỹ.

Ông Dave Barram, Giám đốc GSA năm 2000, tiết lộ bà Emily Murphy đã liên lạc với ông ngay khi bầu cử kết thúc để thảo luận về kịch bản từng xảy ra cách đây 30 năm giữa ứng cử viên Dân chủ Al Gore và ứng cử viên Cộng hòa Bush.

“Năm 2000, không có người chiến thắng rõ ràng, cả hai ứng cử viên đều hiểu rõ điều đấy. Đó chính là sự khác biệt. Rõ ràng Tổng thống Trump nên thừa nhận mình đã thua cuộc”, ông Barram nói. 

Theo kế hoạch, mọi khiếu nại về gian lận bầu cử và yêu cầu kiểm phiếu lại cần phải được giải quyết xong trước ngày 8/12. Ngày 14/12, đại cử tri đoàn sẽ nhóm họp để bỏ phiếu bầu tổng thống. Ngày 6/1/2021, Quốc hội Mỹ khóa mới (khóa 117) sẽ nhóm họp lưỡng viện ở Washington D.C để kiểm đếm phiếu đại cử tri và chính thức tuyên bố tổng thống đắc cử. Tổng thống đắc cử trong cuộc bầu cử năm nay sẽ tuyên thệ nhậm chức vào chiều 20/1/2021.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Các khoản vay sinh viên - Rắc rối ông Biden có thể đối mặt khi nhậm chức
Các khoản vay sinh viên - Rắc rối ông Biden có thể đối mặt khi nhậm chức

Ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ dự đoán sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ, có thể phải đối mặt với một mớ hỗn độn khoản vay sinh viên nếu gói cứu trợ COVID-19 của chính quyền Tổng thống Trump hết hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN