Khi Justin Steece mạo hiểm rời khỏi căn hộ của mình ở Vũ Hán (Trung Quốc), mối lo lớn nhất của anh là làm sao không lây bệnh. Steece còn lo ngại hơn việc anh có thể mang chủng virus chết chóc đang lan khắp thành phố này về nhà lây cho vợ và đứa con sơ sinh. Nhưng khi trong nhà không còn sữa công thức cho con, Steece không có nhiều lựa chọn.
“Thằng bé không mấy khi khóc trừ khi đói”, Steece, 26 tuổi, quê ở Lake George, bang Minnesota, Mỹ nói với phóng viên tạp chí Time. Anh làm giáo viên ở Vũ Hán. “Nỗi sợ lớn nhất của tôi là đi ra ngoài và vô tình truyền bệnh cho gia đình”.
Vào lúc 3 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 28/1, một chiếc máy bay Mỹ đã sơ tán khoảng 240 công dân Mỹ từ Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân đã bị phong tỏa sau khi dịch bệnh bùng phát. Chủng coronavirus được đặt tên là 2019-nCoV, cùng loại virus từng gây ra dịch SARS và MERS - cho đến nay đã làm khoảng 6.000 người mắc bệnh và cướp đi 132 mạng sống.
Nhà chức trách Trung Quốc đã truy tìm ra nơi bùng phát của virus này là từ một chợ bán buôn hải sản trong thành phố Vũ Hán và gần 60% các ca nhiễm bệnh là tại tỉnh Hồ Bắc. Chuyến bay đầu tiên sơ tán người Mỹ đã dừng để tiếp nhiên liệu ở thành phố Anchorage, bang Alaska trước khi đáp xuống một sân bay quân sự tại bang California.
Justin Steece, một giáo viên quê ở Minnesota, bị mắc kẹt tại Vũ Hán sau khi chuyến bay được chính phủ Mỹ thuê, với mức phí 1.000 USD mỗi chỗ, đã không chấp nhận vợ / chồng hoặc thành viên gia đình là người Trung Quốc. Con trai của Steece, Colm, chưa đầy một tháng tuổi và vợ anh mang quốc tịch Trung Quốc.
Nhưng không chỉ có Steece, theo tờ Time, khoảng 1.000 người Mỹ khác vẫn bị mắc kẹt trong một khu vực cách ly lớn nhất lịch sử hiện đại thế giới – cô lập khoảng 50 triệu người tại 17 thành phố - khi tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục tăng cao. Hệ thống tàu điện ngầm Vũ Hán đã ngừng hoạt động, các phương tiện cá nhân bị cấm tại trung tâm thành phố và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được kéo dài. Siêu thị kiểm tra thân nhiệt khách hàng tại cửa vào và từ chối bất cứ người nào bị sốt.
Trong khi đó, ưu tiên trên chuyến bay sơ tán hôm 28/1 đã được trao cho các nhân viên tại lãnh sự quán Mỹ và gia đình họ. Một số ghế còn lại dành cho các công dân Mỹ khác nhưng giá tăng lên 1.000 USD. Điều này khiến những người Mỹ còn đang mắc kẹt tại Vũ Hán nổi giận vì cảm thấy như bị chính phủ của họ bỏ rơi.
“Với người bình thường, vé máy bay sơ tán không có sẵn”, George Goodwin, một giáo viên sinh học quê ở Reno, bang Nevada, từng làm việc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) trước khi chuyển đến Trung Quốc, cho biết. “Nhiều người đã rất thất vọng khi thông báo [của chuyến bay] cho thấy dường như đây sẽ là vị cứu tinh của tất cả người Mỹ ở Vũ Hán, trong khi sự thực thì hầu hết chúng tôi không thể đi”.
Đối với Steece, tình hình trở nên khó khăn khi vợ anh là công dân Trung Quốc và con trai, Colm, mới chưa đầy một tháng tuổi nên vẫn chưa được đăng ký quốc tịch Mỹ. Vợ/chồng và các thành viên người Trung Quốc trong gia đình công dân Mỹ không đủ điều kiện cho chuyến bay sơ tán hôm 28/1.
"Tôi thực sự đã cảm thấy hơi khó chịu. Tại sao công dân Mỹ phải trả 1.000 USD và không có gia đình đi cùng?”, Steece bức xúc. Trước khi chuyển đến Trung Quốc, anh từng phục vụ 5 năm trong Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ.
Tình huống tương tự xảy ra với Benjamin Wilson, 38 tuổi, một chủ nhà hàng tại Vũ Hán, quê ở Alexandria, Los Angeles, Mỹ. Mặc dù cô con gái 7 tuổi của Wilson là Jasmine có hộ chiếu Mỹ, nhưng vợ anh là công dân Trung Quốc. Vì thế ngay cả khi có chỗ trên chuyến bay sơ tán, Wilson cũng không thể bỏ lại gia đình trong lúc khó khăn này.
“Thật buồn khi các chính phủ khác đề xuất sơ tán cho cả vợ/chồng và con cái người Trung Quốc. Còn chính phủ của chúng tôi, chúng tôi chỉ nghe tin đồn về chuyến bay sơ tán, chứ chưa thấy bất kỳ thông tin nào trực tiếp từ đại sứ quán. Rồi sau đó cũng không đủ chỗ cho tất cả mọi người”.
Liên quan đến hoạt động sơ tán khỏi vùng dịch ở Vũ Hán, Liên minh Châu Âu cho biết họ sẽ đồng tài trợ chi phí vận chuyển cho hai máy bay để sơ tán công dân, theo một tuyên bố hôm thứ 28/1. Trong đó, chiếc máy bay đầu tiên dự kiến khởi hành từ Pháp vào sáng thứ 29/1 và chuyến thứ hai vào cuối tuần này. Các quốc gia khác - bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ - sẽ điều tới những chuyến bay thuê để sơ tán công dân khỏi Vũ Hán trong những ngày tới.
Một số người Mỹ bị mắc kẹt ở Vũ Hán nói với tạp chí Time rằng họ đã gọi nhiều cuộc tới Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh nhưng chỉ nhận được những tin nhắn ghi âm lại, chỉ dẫn họ tới những bài đăng web đã cũ, chưa cập nhật.
Ngay cả những người tìm cách đảm bảo được chỗ ngồi trên chuyến bay sơ tán ngày 28/1 cũng phải tự mình đến sân bay - một thách thức đáng kể trong bối cảnh không có phương tiện giao thông công cộng còn xe ô tô cá nhân bị cấm.
Đến nay, vẫn chưa có tin tức nào về các chuyến bay khác để đưa người Mỹ khỏi Vũ Hán, trong lúc các báo cáo cho hay thành phố có thể bị phong tỏa cho đến tận tháng 4. Những người bị mắc kẹt trong nhà của họ không biết làm thế nào có thể đủ các nhu yếu phẩm, nơi làm việc thì đóng cửa và không có cách nào kiếm tiền.
Xem video cảnh tượng gây sốc người nhiễm virus Corona ngã gục giữa đường phố Vũ Hán (Nguồn: Daily Mail)
Trong khi đó, trong email gửi tới tạp chí Time, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh khẳng định: “Sức khỏe và sự an toàn của công dân Mỹ, bao gồm cả nhân viên Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán, là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”. “Chúng tôi rất khuyến khích công dân Mỹ ở Trung Quốc đăng ký vào Chương trình Đăng ký khách du lịch thông minh (STEP.state.gov) để nhận các bản cập nhật mới nhất về sức khỏe, an ninh và bất kỳ kế hoạch nào của chính phủ Mỹ có thể hỗ trợ”.
Đó là niềm an ủi nhỏ nhoi đối với Steece, người bị bỏ lại đang cố gắng tận hưởng điều kỳ diệu của hạnh phúc làm cha với viễn cảnh là những tháng ngày bị cô lập trong thành phố đầy rủi ro bệnh tật. “Tôi yêu con trai tôi rất nhiều", anh nói, “Chúng tôi chỉ hy vọng mọi thứ diễn ra tốt đẹp”.