Điều này đồng nghĩa với việc những thói quen tụ họp gia đình hay cầu nguyện tập thể vốn không thể thiếu trong tháng lễ quan trọng này của người Hồi giáo, không được phép diễn ra.
Tháng lễ Ramadan năm nay cũng khiến công việc phòng dịch tại nhiều quốc gia châu Á, Trung Đông và Bắc Phi thêm khó khăn do giới chức lo ngại người dân có thể đề cao các nghi thức tín ngưỡng hơn các quy tắc phòng dịch. Dù số ca nhiễm bệnh tại khu vực này thấp hơn châu Âu và Mỹ nhưng lại đang có xu hướng tăng dần, làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống y tế còn yếu kém tại nhiều quốc gia sẽ không đủ khả năng chống đỡ khi dịch bệnh bùng phát mạnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo dừng một số hoạt động trong tháng lễ Ramadan để hạn chế tiếp xúc, lây nhiễm. Hầu hết các quốc gia đã ban hành các lệnh cấm cầu nguyện tại đền thờ hoặc tụ họp người thân và bạn bè trong các bữa “xả chay”- bữa ăn tối quan trọng kết thúc một ngày nhịn ăn trong tháng lễ của người Hồi giáo.
Tại Indonesia, quốc gia có cộng đồng người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, các biện pháp hạn chế phần nào khiến các tín đồ “hụt hẫng” nhưng các tổ chức tôn giáo quốc gia này đã kêu gọi các tín đồ ở nhà. Fitria Famela, phụ nữ nội trợ theo đạo Hồi, tuy tỏ ra thất vọng vì không thể đến đền thờ cầu nguyện nhưng cô cho rằng thế giới giờ đang thay đổi và họ không thể làm khác.
Giới chức Indonesia cũng ban hành các lệnh cấm hoạt động vận chuyển đi lại khi hàng triệu người trở về quê nhà hoặc các làng mạc cổ vào cuối tháng lễ Ramadan. Chính phủ cũng hạn chế các dịch vụ hàng không và đường biển kết nối xứ vạn đảo.
Tại Afghanistan, giới chức y tế và các học giả Hồi giáo cũng khuyên người dân thực hành các nghi lễ trong tháng Ramadan tại nhà để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tại Malaysia, người Hồi giáo nước này bước vào tháng Ramadan khi Mệnh lệnh Hạn chế Di chuyển (MCO), bắt đầu được áp dụng từ ngày 18/3, vừa được chính phủ công bố sẽ kéo dài trước mắt cho đến hết ngày 12/5 mà chưa rõ ngày dỡ bỏ. Điều đó có nghĩa là tháng Ramadan, từ ngày 24/4 cho đến ngày 24/5, có thể hoàn toàn nằm trong vòng ảnh hưởng của MCO.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin mong người dân chia sẻ và chung tay cùng chính phủ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, trước khi có thể đưa đất nước trở lại nhịp sống bình thường như trước đây.
Cùng ngày, Quốc vương Al-Sultan Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah đã kêu gọi các tín đồ hãy nghiêm túc chấp hành các chỉ thị của chính phủ liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, dành thời gian chăm sóc, thương yêu, sẻ chia với những người thân của mình. Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad cũng kêu gọi các tín đồ không vi phạm các chính sách hạn chế đi lại của chính phủ, nhẫn nại để chung tay cùng chính phủ bảo vệ toàn thể người dân và đất nước.
Trái lại, một số thủ lĩnh tôn giáo tại châu Á, nơi tập trung gần 1 tỷ người theo đạo Hồi, lại chủ quan, bỏ qua các khuyến cáo của giới chức về việc hạn chế tụ tập đông người. Bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh, hàng nghìn người vẫn tham gia buổi cầu nguyện tối 23/4 tại đền thờ lớn nhất thủ phủ Banda Aceh, tỉnh Aceh, Indonesia. Thực trạng này tiếp diễn kể cả khi trong vài tuần trở lại đây, nhiều ổ lây nhiễm bệnh ở châu Á có liên quan tới những sự kiện tôn giáo tập thể ở Malaysia, Pakistan và Ấn Độ.
Ở Bangladesh, các nỗ lực phòng dịch đứng trước nguy cơ sụp đổ khi các giáo sĩ bảo thủ che khai báo không trung thực số người thăm viếng các đền thờ.
Tại Pakistan, những ngày trước khi tháng lễ bắt đầu, nhiều đền thờ vẫn đông nghịt người tới cầu nguyện, ngồi chen chúc mà không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.