Theo tờ Straits Times, Chủ tịch tập đoàn Reliance Industries của Ấn Độ lọt vào nhóm tỷ phú siêu giàu gồm 11 người sau khi cổ phiếu của tập đoàn này tăng lên mức kỷ lục vào ngày 8/10.
Theo danh sách Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, Ambani hiện sở hữu tài sản trị giá 100,6 tỷ USD, sau khi gia tăng tài sản tới 23,8 tỷ USD chỉ trong năm nay.
Kể từ khi kế thừa đế chế các doanh nghiệp lọc dầu và hóa dầu từ người cha quá cố vào năm 2005, ông Ambani, 64 tuổi, đã tìm cách biến người khổng lồ năng lượng thành một người khổng lồ bán lẻ, công nghệ và thương mại điện tử. Công ty viễn thông của ông, mới bắt đầu cung cấp dịch vụ vào năm 2016, nhưng hiện là nhà mạng thống trị tại thị trường Ấn Độ.
Các dự án bán lẻ và công nghệ của Ambani đã thu về được khoảng 27 tỷ USD trong năm ngoái, nhờ bán cổ phần cho các nhà đầu tư khác nhau, từ Facebook, Google đến KKR & Co và Silver Lake.
Hồi tháng 6 năm nay, ông Ambani đã công bố dự án đầy tham vọng đầu tư vào năng lượng xanh, với khoản đầu tư theo kế hoạch khoảng 10 tỷ USD trong 3 năm. Và vào tháng trước, ông trùm cho biết công ty của ông sẽ "tích cực" theo đuổi hoạt động sản xuất hydro xanh rẻ hơn.
Kế hoạch này phù hợp với tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi trong việc biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu về nhiên liệu sạch để chống lại biến đổi khí hậu và giảm nhập khẩu năng lượng của quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới.
Mặc dù thông báo của ông Ambani được cho là một sự thừa nhận rằng tập đoàn của ông cần phải nhìn xa hơn dầu mỏ để củng cố tương lai của mình, nhưng hiện tại nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò trung tâm trong hoạt động của Reliance, chiếm gần 60% trong tổng doanh thu hàng năm 73 tỷ USD của tập đoàn. .
Ông Chakri Lokapriya, Giám đốc đầu tư của TCG Asset Management ở Mumbai, cho biết: “Mukesh Ambani đi đầu trong việc tạo ra các doanh nghiệp mới với các công nghệ mới đang nổi lên. Việc tạo ra các doanh nghiệp quy mô với tốc độ nhanh tạo ra những thách thức về thực thi, nhưng ông ấy đã chứng tỏ được năng lực của mình."
Câu chuyện thành công của Reliance bắt đầu từ cuối những năm 1960, khi ông Dhirubhai Ambani, khởi nghiệp là một nhân viên trạm xăng ở Yemen, bắt đầu gây dựng doanh nghiệp polyester của mình thành một đế chế rộng lớn.
Khi ông qua đời vì đột quỵ vào năm 2002 mà không để lại di chúc, tranh chấp thừa kế đã nổ ra giữa hai người con trai của ông, Mukesh và Anil, 62 tuổi. Cuối cùng, tranh chấp được giải quyết bởi người mẹ, bà Kokilaben vào năm 2005.
Theo thỏa thuận “đình chiến”, Mukesh nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp lọc dầu và hóa dầu hàng đầu, trong khi em trai ông nắm các lĩnh vực mới hơn như sản xuất điện, dịch vụ tài chính và dịch vụ viễn thông. Ông Anil - từng là tỷ phú USD - đã khai trước một tòa án ở London vào năm ngoái rằng giá trị tài sản ròng của ông là "0".
Các tỷ phú Ấn Độ nằm trong nhóm những người gia tăng tài sản mạnh nhất trong danh sách người giàu trên thế giới, khi thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất châu Á của Ấn Độ trong năm nay được sự thúc đẩy từ các đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO).
Ông Gautam Adani, người sáng lập tập đoàn điện than và năng lượng tái tạo Adani Group, đã bổ sung 39,5 tỷ USD vào tài sản của mình trong năm nay, trong khi người giàu thứ ba của Ấn Độ, ông trùm công nghệ Azim Premji, chứng kiến tài sản tăng 12,8 tỷ USD.
Cũng theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, 10 người còn lại sở hữu tài sản trị giá trên 100 tỷ USD của thế giới gồm có: Jeff Bezos với 200,7 tỷ USD; Elon Musk với 198,9 tỷ USD; Bernaud Arnault (doanh nhân Pháp, ông chủ hãng hàng hiệu LVMH) với 163,6 tỷ USD; Bill Gates có tài sản 153,6 tỷ USD; Larry Page (đồng sáng lập Google, CEO của Alphabet -công ty mẹ của Google) với 128,1 tỷ USD; Mark Zuckerberg (đồng sáng lập, CEO của Facebook) với tài sản 126 tỷ USD; Sergey Brin (đồng sáng lập Google) sở hữu 123,6 tỷ USD; Steve Ballmer (nhà đầu tư Mỹ, cựu CEO Microsoft) - 107,6 tỷ USD; Larry Ellison với 103,8 tỷ USD và Warren Buffett 102,6 tỷ USD.