Ngoại trưởng Mỹ công du châu Âu với nhiều khó khăn

Trong một nỗ lực nhằm vận động sự ủng hộ của quốc tế trong việc tìm giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài tại Syria cũng như tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến công du châu Âu từ ngày 21 đến ngày 24/10.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AP


Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tại chặng dừng chân đầu tiên ở Paris (Pháp), Ngoại trưởng Kerry đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Arập Xêút Saud al-Faisal để thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế.

Cũng tại Paris, ông Kerry còn có cuộc gặp với các đại diện của Ủy ban theo đuổi sáng kiến hòa bình của Liên đoàn Arập để thông báo những thông tin cập nhật về cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Đúng ngày ông Kerry đặt chân tới Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã triệu Đại sứ Mỹ lên để yêu cầu giải trình về những thông tin đăng tải trên tờ "Le Monde" nói rằng Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Mỹ từ ngày 10/12/2012 đến ngày 8/1/2013, đã nghe lén hơn 70 triệu cuộc điện thoại của các công dân Pháp.

Phát biểu với báo giới khi tới Paris, Ngoại trưởng Kerry không bình luận về lời cáo buộc mà chỉ thông báo rằng Mỹ sẽ thảo luận với Pháp và các đồng minh về chủ đề này.

Trong bữa tiệc trưa do Ngoại trưởng Saud al-Faisal tổ chức ở Paris, ông Kerry cũng đã phải tìm cách xoa dịu mối quan hệ căng thẳng sau khi quốc gia Hồi giáo này từ chối chiếc ghế ủy viên không thường trực nhiệm kỳ hai năm tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để tỏ thái độ bất bình của nước này đối với những tiêu chuẩn kép trong hệ thống LHQ.

Riyadh cũng bất bình với thái độ không mạnh tay của HĐBA đối với cuộc khủng hoảng tại Syria. Một quan chức Mỹ cho biết, trong cuộc gặp, Ngoại trưởng Kerry nêu rõ mặc dù việc không nhận chiếc ghế ủy viên không thường trực HĐBA là thuộc quyền của Saudi Arabia, nhưng Mỹ vẫn đánh giá cao vai trò lãnh đạo của nước này trong khu vực cũng như trong các vấn đề quốc tế. Ngoại trưởng hai nước cũng chia sẻ mục tiêu chung về một nước Iran không có vũ khí hạt nhân, chấm dứt cuộc nội chiến Syria và ổn định tình hình tại Ai Cập.

Saudi Arabia là quốc gia đi đầu trong việc hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Ngoài ra, Riyadh cũng không đồng tình với việc Mỹ ủng hộ cuộc nổi dậy lật đổ cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak năm 2011 vừa qua.

Một khó khăn đối với Mỹ là cho tới nay phe đối lập Syria vẫn chưa tuyên bố có tham dự hội nghị về tiến trình hòa bình về Syria hay không. Về phần mình, Tổng thống Syria ngày 21/10 trả lời phỏng vấn truyền hình cho biết cho tới nay vẫn chưa có ngày giờ cụ thể cho cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria.

Sau chặng dừng chân tại Paris, Ngoại trưởng Kerry sẽ tới London (Anh) dự cuộc gặp cấp ngoại trưởng của 11 quốc gia với thủ lĩnh Liên minh đối lập Syria nhằm đánh giá lại những tiến triển trong nỗ lực triệu tập hội nghị hòa bình về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) dự kiến diễn ra trong tháng 11 tới.

Chặng dừng chân cuối cùng của ông Kerry là tại Rome (Italy) để gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm thảo luận về kết qủa các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Israel và Palestine bên cạnh vấn đề hạt nhân của Iran, cuộc nội chiến Syria cùng một số vấn đề khác.


TTXVN/Tin tức

Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ thăm Afghanistan
Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ thăm Afghanistan

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa tiến hành chuyến công du ngoài kế hoạch đến Kabul để hối thúc các nhà lãnh đạo Afghanistan sớm cùng Mỹ hoàn tất hiệp định an ninh tay đôi mà theo đó, lính Mỹ có thể ở lại quốc gia Tây Nam Á này sau lộ trình rút quân vào cuối năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN