Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Pompeo chúc mừng Hàn Quốc đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử hôm 15/4 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và cảm ơn nước đồng minh châu Á đã hợp tác chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin liên quan đến việc đối phó dịch bệnh.
Đáp lại, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cho biết chính phủ vẫn khuyến cáo người dân không nên lơ là cảnh giác về đại dịch và tuân thủ các quy tắc giãn cách hiện đã được nới lỏng sau khi nước này ghi nhận mức độ lây nhiễm giảm.
Hai ngoại trưởng cũng ghi nhận rằng quan hệ Hàn - Mỹ đã được củng cố theo cách cùng có lợi và nhất trí hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó có các biện pháp đối phó với COVID-19 dựa trên quan hệ liên minh vững chắc của hai nước.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao cho hay trong cuộc điện đàm này, ngoại trưởng hai nước cũng đề cập đến các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự, song dường như không dẫn đến bất kỳ sự đột phá nào cho các cuộc đàm phán hiện đang lâm vào bế tắc này.
Trước đó, cùng ngày, một nguồn tin ngoại giao cho biết Hàn Quốc đã đưa ra đề nghị tốt nhất có thể trong các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ, sau khi Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Hàn Quốc và Nhật Bản, Marc Knapper kêu gọi Seoul thể hiện sự linh hoạt.
Phát biểu với hãng Yonhap, nguồn tin giấu tên trên nêu rõ: "Tôi không thể đề cập đến con số, nhưng bộ trưởng ngoại giao đã cho biết rằng đề nghị này là tốt nhất có thể". Nguồn tin này đề cập đến phát biểu tại Quốc hội của Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha hồi tuần trước rằng mức tăng 13% chi phí đóng góp so với thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ hồi năm ngoái, là mức đề nghị cao nhất mà Seoul có thể đưa ra.
Nhà ngoại giao hàng đầu Hàn Quốc đưa ra thông báo trên trong phần trả lời chất vấn của các nghị sỹ Quốc hội liên quan tới các phương tiện truyền thông đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối đề nghị của Seoul tăng đóng góp thêm ít nhất 13% từ năm tới. Ông Trump cho rằng quốc gia đồng minh châu Á này cần chi trả nhiều hơn cho hoạt động đồn trú của 28.500 binh sĩ Mỹ ở nước này.
Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) theo Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA), bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự, hỗ trợ hậu cần và chi phí để duy trì 28.500 binh sĩ USFK tại quốc gia Đông Bắc Á này. Theo thỏa thuận, năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước đó.
Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, Seoul và Washington đã tiến hành tổng cộng 6 vòng đàm phán. Vòng đàm phán song phương mới nhất diễn ra tại Washington hồi tháng 1 vừa qua không thể hóa giải những khác biệt trong một số điểm then chốt, như tổng mức đóng góp tài chính của Seoul và việc gia hạn thỏa thuận SMA, đã hết hạn cuối năm ngoái.