Một kết quả phân tích cho thấy 5% số người được hỏi có ít nhất một triệu chứng kéo dài từ 12 đến 16 tuần sau có kết quả dương tính. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, 3,4% người không mắc bệnh cũng cho biết có triệu chứng “COVID kéo dài” tương tự.
Những triệu chứng của “COVID kéo dài” gồm sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi hoặc suy yếu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, đau họng, ho, thở gấp, mất vị giác và khứu giác. Tuy nhiên, ONS cho rằng những triệu chứng trên cũng thường gặp trong dân số nói chung, và có thể là dấu hiệu của bệnh khác.
Một phân tích thứ 2 về “COVID kéo dài” cũng cho thấy chỉ 3% người có triệu chứng ít nhất 12 tuần sau khi mắc bệnh. Tỷ lệ này ở người không mắc là 0,5%. Tuy nhiên, ở nhóm phân tích thứ 3, những người tham gia được yêu cầu tự xác định mình có mắc các triệu chứng “COVID kéo dài” hay không. Kết quả cho thấy khoảng 11,7% trả lời là Có, trong đó 7,5% cho biết tình trạng bệnh đã hạn chế các hoạt động thường ngày của họ. Khi phương pháp này được áp dụng với những người mắc COVID-19 có triệu chứng, tỷ lệ cho biết có triệu chứng “COVID kéo dài” đã tăng lên 17,7%.
Kết quả trên được đưa ra sau khi nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy có tới 1/5 (20%) số người mắc COVID-19 có thể chịu những tác động kéo dài của bệnh. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới của ONS, chỉ từ 3% - 11,7% số ca dương tính có thể có triệu chứng của “COVID kéo dài”. Tỷ lệ này thấp hơn kết quả 14% được chính ONS thực hiện và công bố hồi tháng 4.
Đánh giá về nghiên cứu mới của ONS, Kevin McConway - Giáo sư danh dự Đại học Mở (Anh), cho rằng dù có thể thấp hơn ước tính trước đó, song tỷ lệ ghi nhận "COVID kéo dài” vẫn thực sự là vấn đề lớn. Ước tính trong giai đoạn tuần từ ngày 14 - 20/8, tổng số ca mắc COVID-19 ở Anh là 526.000 ca, và nếu ước tính của ONS là đúng thì tỉ lệ mắc “COVID kéo dài” ở Anh chỉ riêng trong tuần đó đã là từ 16.000 - 60.000 ca.