Nghị viện châu Âu kêu gọi dỡ bỏ cấm vận chống Nga

Đảng Liên minh Xã hội Dân chủ Tiến bộ (S&D) tại Nghị viện châu Âu (EP) cho rằng cần có sáng kiến mới để thúc đẩy đối thoại tại châu Âu.

Nhiều nghị sĩ tại EP thúc giục chính phủ các nước châu Âu và Nga tái lập kênh tiếp xúc giữa các nghị viện trong lúc cuộc khủng hoảng Ukraine – nhân tố làm đóng băng các đối thoại chính trị Nga – Liên minh châu Âu trong hơn 1 năm qua, vẫn tiếp diễn.

S&D đã kêu gọi thúc đẩy một “sáng kiến mới cho đối thoại chính trị ở châu Âu” và “dỡ bỏ các danh sách cấm vận mà cả Nga và EU dựng lên nhằm vào nghị sĩ quốc hội các nước cũng như nghị sĩ EP”. Đây là một điểm trong thông cáo báo chí được phát đi cuối tuần trước nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Helsinki 1975 về cải thiện hợp tác Liên Xô - phương Tây thời chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần tới dự họp tại Trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brusssels (Bỉ). Ảnh: EPA


Đối thoại chính trị Nga - EU đi vào ngõ cụt sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014. Quan hệ ngày một leo thang căng thẳng sau khi EU áp đặt một loạt các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Nga. Lời kêu gọi của S&D được đưa ra vài tháng sau khi Bộ Ngoại giao Nga trao công hàm tới một số sứ quán các nước EU về bản danh sách cấm đi lại tại Nga nhằm vào giới lãnh đạo chính trị, quân sự của 17 nước trong khối. Danh sách này có những chính khách tên tuổi của EP như Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Dân chủ Tự do châu Âu Guy Verhofstadt, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ đảng Nhân dân và là đòn trả đũa của Moskva đối với cấm vận của EU nhằm vào Nga.

“Nếu muốn căng thẳng hạ nhiệt, chúng ta cần phải tìm ra cách thức thảo luận. Chúng ta giờ đang ở trong tình huống về chính trị, ngoại giao, thế nhưng những tiếp xúc ngoại giao nhân dân ở châu Âu đã rơi xuống mức thấp nhất. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay chúng ta càng cần đối thoại hơn bao giờ hết”, thông cáo nêu. Ông Knut Fleckenstein, Phó Chủ tịch S&D, người soạn thảo văn bản này, cho biết ông cũng kêu gọi EU dỡ bỏ danh sách cấm vận nhằm vào 151 cá nhân người Nga, trong đó có hơn 20 nghị sĩ thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, cùng nhiều thành viên thuộc Ủy ban hợp tác nghị viện Nga - EU (PCC).

PCC được thành lập năm 1997 và là một cơ chế thúc đẩy hợp tác kinh tế - chính trị giữa Nga-EU. Tuy nhiên, giờ “nó không còn hoạt động nữa, đã lâu lắm rồi không có một cuộc họp nào”, ông Leckenstein nói. S&D cũng kêu gọi chuẩn bị cho kì họp thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) năm 2016, với sự tham dự của “tất cả các nước” trong đó có Nga – bên ký kết Hiệp định Helsinki.

Hiệp định Helsinki, từng hứa hẹn sẽ là nhân tố thúc đẩy dân chủ và hợp tác Nga – EU, đã “bị vỡ tan do những căng thẳng gia tăng giữa Nga và EU liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như mức độ ảnh hưởng ngày một lớn của lực lượng bài dân chủ ở khắp châu Âu”, thông cáo của S&D viết.

Diễn biến mới này xuất hiện tại thời điểm nhiều đoàn nghị sĩ tại Quốc hội các nước EU đã và sẽ có các chuyến thăm tới Crimea, bất chấp phản đối từ chính quyền Ukraine. Từ ngày 23-24/7, một nhóm nghị sĩ Pháp đã tới thăm bán đảo này, nhằm tìm hiểu cuộc sống thực sự của người dân nơi đây. Trưởng đoàn Thierry Mariani lên án Mỹ kích động trừng phạt, gây thiệt hại cho cả Nga và Pháp. Liền sau đó, các nghị sĩ đại diện cho phong trào Năm Sao và đảng Liên đoàn chính trị miền Bắc tại Italy cũng tuyên bố sẽ tới thăm Crimea ngay sau khi Quốc hội nước này bước vào kỳ nghỉ lễ.

Mới nhất, tờ Izvestia (Nga) ngày 3/8 dẫn lời ông Alexander Noy, đại diện đảng Cánh tả trong Quốc hội Đức nói rằng đảng này đang xem xét thực hiện chuyến đi tới vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga, sau chuyến thăm có tính chất biểu tượng của các nghị sĩ Pháp. “Tôi tin rằng chuyến thăm của các nghị sĩ Pháp đến Crimea là bước đi đúng đắn. Là những người được người dân bầu ra, họ phải thể hiện và nói với chính quyền Pháp, các chính trị gia và cộng đồng về những gì đang diễn ra trên thực tế… Đảng cánh tả của Đức có quan điểm chính trị khác biệt so với các đảng khác trong quốc hội. Do đó, chúng tôi càng dễ chấp nhận cơ hội đến thăm Crimea”, ông Noy bày tỏ.
Hoài Thanh (Theo Politico, TASS)
Nông nghiệp Pháp thiệt hại nặng do Nga cấm vận trả đũa
Nông nghiệp Pháp thiệt hại nặng do Nga cấm vận trả đũa

Sau gần một năm kể từ khi Nga thực thi các biện pháp cấm vận trả đũa nhằm vào thực phẩm châu Âu, có thể thấy rõ những thiệt hại đáng kể của các nhà sản xuất Pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN