Ngày 13/6, Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, và Thượng nghị sĩ James Inhofe đã giới thiệu một dự thảo nghị quyết lên án các hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc tại Biển Đông vào các ngày 26/5 và 9/6 vừa qua, gây thiệt hại cho các tàu thăm dò của Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb.(Ảnh: Đỗ Thúy/TTXVN. |
Dự thảo nghị quyết cũng nêu lại các vụ việc xảy ra giữa tàu Trung Quốc và tàu Philíppin, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, sự kiện tàu Impeccable của Mỹ năm 2009 và vụ va chạm tại đảo Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản, mà phía Tôkiô gọi là Senkaku năm 2010. Theo các tác giả dự thảo, Thượng viện Mỹ cần khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trên biển tại Biển Đông, lên án việc sử dụng vũ lực của tàu thuyền hải quân và an ninh biển của Trung Quốc, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ủng hộ hoạt động đảm bảo quyền tự do đi lại tại các vùng biển và không phận quốc tế tại Biển Đông.
Cùng ngày, phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu có uy tín tại thủ đô Oasinhtơn, Thượng nghị sĩ Jim Webb nhiều lần nhấn mạnh rằng các tàu hải giám kết hợp với tàu cá của Trung Quốc đã hai lần cắt "một cách có chủ ý" dây cáp thăm dò của tàu Việt Nam. Ông gọi hành động của Trung Quốc là "không phù hợp" và kêu gọi Bắc Kinh cần chấm dứt ngay "kiểu hành động" này.
Về phía chính quyền Mỹ, Thượng nghị sĩ Webb cho rằng Oasinhtơn đã thể hiện một lập trường "quá yếu" và cần phối hợp hành động tại một diễn đàn đa phương để giải quyết các vấn đề. Theo ông, khi bất cứ nước nào trong số các nước có tranh chấp sử dụng lực lượng quân sự một cách không phù hợp, Mỹ phải lên tiếng để bảo vệ vị thế của mình tại khu vực.
Trước đó, ngày 10/6, Thượng nghị sĩ Webb tuyên bố trên trang web của mình rằng ông "đặc biệt lo ngại" về việc Trung Quốc nhiều lần sử dụng vũ lực để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền của mình tại Biển Đông.
Trong một diễn biến liên quan, Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết sẽ tổ chức hội thảo về an ninh hàng hải ở Biển Đông trong hai ngày 20-21/6 tới tại thủ đô Oasinhtơn.
Khoảng 80 quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả và nhà báo của Mỹ và nước ngoài sẽ tham dự cuộc hội thảo. Các đại biểu sẽ trình bày tham luận, tập trung vào bốn chủ điểm chính là đánh giá về lợi ích và vị trí của các bên tại khu vực Biển Đông, cập nhập tình hình gần đây tại khu vực, đánh giá hiệu quả của các khuôn khổ và cơ chế về an ninh hàng hải hiện nay tại Biển Đông và khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường an ninh tại khu vực này.