Theo hãng tin RT (Nga), trong một bài phát biểu cùng ngày, nghị sĩ người Ireland Clare Daly nói rằng cấm vận dầu khí Nga sẽ không giúp chấm dứt cuộc chiến hiện nay tại Ukraine.
Bà Clare Daly nhấn mạnh: "Không phải vì tôi ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin, mà vì các biện pháp trừng phạt sẽ không có hiệu quả. Trừng phạt không bao giờ giúp chấm dứt một cuộc chiến… Nếu châu Âu không mua dầu khí Nga, người khác sẽ mua. Người dân châu Âu sẽ phải trả cái giá đó".
Trong tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất cấm vận hoàn toàn dầu lửa của Nga vào cuối năm nay. Có tin cho rằng Brussels đã chấp nhận các trường hợp miễn trừ đối với Hungary và Slovakia, hai nước có nền kinh tế phụ thuộc sâu vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Nghị sĩ Clare Daly đánh giá Nga "rõ ràng" phải chịu trách nhiệm về tình hình ở Ukraine và làn sóng người tị nạn chạy khỏi nước này. Song đồng thời, bà cũng lập luận rằng phương Tây cũng góp phần vào cuộc xung đột. "Chúng ta không thể làm ngơ trước vai trò của EU và Mỹ. Đó không phải là bào chữa cho Nga. Đơn giản là để lý giải, bởi vì bạn không thể giải quyết một vấn đề nếu bạn không hiểu gốc rễ của nó", bà Daly nói.
Nhà lập pháp này cũng nhắc lại phát biểu của Giáo hoàng Francis trong tuần qua rằng việc mở rộng về phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "có lẽ đã tạo điều kiện" dẫn tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Theo bà Daly, bằng cách gửi thêm vũ khí cho chính quyền Kiev, phản ứng của EU và Chính phủ Ireland gần như là đã leo thang chiến tranh và đảm bảo cuộc chiến ấy tiếp tục.
Kể từ khi chiến sự bùng nổ ngày 24/2, Mỹ và các nước phương Tây đã liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga, liên quan tới một loạt lĩnh vực từ tài chính, ngân hàng cho tới năng lượng.
Riêng EU đã thông qua 5 gói trừng phạt, trong đó có lệnh cấm vận đối với than đá đã được 27 nước nhất trí thông qua. Gói trừng phạt này cũng có lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ euro cho Nga, trong đó có các mặt hàng công nghệ cao, và đóng băng tài sản của một số ngân hàng Nga. Ngoài ra, EU cũng đang mở rộng các mặt hàng cấm nhập khẩu từ Nga, trong đó có nguyên liệu thô và thiết bị quan trọng, ước tính trị giá 5,5 tỷ euro mỗi năm.
Theo hãng tin TASS, ngày 17/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã để ngỏ khả năng về gói trừng phạt thứ 6 của phương Tây nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn báo Bild am Sonntag (Đức), bà von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, cụ thể là ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank vốn chiếm 37% hoạt động ngân hàng của Nga. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế nhằm vào lĩnh vực năng lượng Nga cũng đang được thảo luận. Bà cho biết EU đang phát triển các "cơ chế linh hoạt" cho phép đưa dầu mỏ vào gói trừng phạt tiếp nhằm vào Nga.
Mới nhất, Mỹ ngày 8/5 đã công bố nhiều biện pháp trừng phạt đài truyền hình và các doanh nghiệp Nga, cũng như hạn chế thị thực đối với khoảng 2.600 quan chức Nga và Belarus.
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, Giám đốc điều hành ngân hàng Gazprombank của Nga nằm trong danh sách “đen” gồm Alexy Miller và Andrey Akimov. Ngoài ra, 8 giám đốc điều hành của ngân hàng Sberbank - nắm giữ 1/3 tài sản thuộc khối ngân hàng Nga, ngân hàng Công nghiệp Moskva và 10 chi nhánh cũng bị áp đặt lệnh trừng phạt. Quan chức này khẳng định: "Các biện pháp trừng phạt hôm nay (8/5) là sự tiếp nối của việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu".
Ngoài ra, quan chức này cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm trực tiếp làm suy giảm năng lực của Nga, bao gồm hạn chế đối với động cơ công nghiệp, xe ủi đất, sản phẩm gỗ và quạt. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tiến hành các biện pháp hạn chế bổ sung đối với sản phẩm hóa học liên quan trực tiếp tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Nhà Trắng cho biết thêm công ty sản xuất vũ khí Promtekhnologiya của Nga, cùng 7 công ty vận tải biển và 1 công ty tàu kéo sẽ bị trừng phạt. Ủy ban Điều hành hạt nhân sẽ đình chỉ giấy phép xuất khẩu nguyên vật liệu hạt nhân đặc biệt tới Nga. Ngoài ra, Nhà Trắng sẽ trừng phạt 3 đài truyền hình lớn của Nga, gồm truyền hình NTV, Russia-1 và One Russia, cấm tất cả các công ty Nga được phép tiếp cận các dịch vụ tư vấn và kế toán của các công ty Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã công bố một loạt các lệnh cấm, hạn chế thị thực đối với 2.500 sĩ quan quân đội Nga và các lực lượng được Nga hậu thuẫn ở Ukraine, đồng thời xác định 8 công ty liên quan đến hàng hải của Nga và bổ sung 69 tàu vào danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ.
Về phía Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/5 cho biết Nga đang theo dõi quá trình chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 của EU và đánh giá theo nhiều kịch bản khác nhau. Bình luận về những thông tin liên quan gói trừng phạt thứ 6 của EU, ông Peskov cho rằng đến nay, tất cả mới chỉ là kế hoạch đang được thảo luận và Moskva đang theo dõi quá trình này. Ông Peskov nhấn mạnh các quốc gia đang cố gắng gây tổn hại cho Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng đang phải trả giá đắt và hậu quả của các biện pháp này đối với người dân châu Âu sẽ tăng lên mỗi ngày.
Trước đó, theo hãng tin TASS của Nga hôm 3/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế đặc biệt liên quan đến các hành động Moskva coi là thiếu thân thiện của một số quốc gia nước ngoài và tổ chức quốc tế.
Thông báo của Điện Kremlin cho biết theo sắc lệnh, văn bản này cấm các cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức và cá nhân thuộc thẩm quyền của LB Nga thực hiện các giao dịch và nghĩa vụ đối với các cá nhân và pháp nhân nước ngoài đã bị áp dụng các biện pháp hạn chế trả đũa, cũng như cấm xuất khẩu nguyên liệu thô và sản phẩm từ Nga có lợi cho những cá nhân và thực thể mà nước này đã trừng phạt.