Cuộc điều trần chung diễn ra tại London, Anh. Các nghị sĩ đến từ Canada, Ireland, Brazil, Argentina, Singapore, Bỉ, Pháp, Latvia cùng với các nghị sĩ thuộc một số ủy ban của Quốc hội Anh tham gia sự kiện này. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg không xuất hiện tại cuộc điều trần này và Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề chính sách công của Facebook Richard Allan trả lời chất vấn của các nghị sĩ.
Nghị sĩ Canada Charlie Angus cho rằng Facebook đã đánh mất lòng tin của người sử dụng trên thế giới vốn cho rằng mạng xã hội này có thể tự giám sát bảo mật dữ liệu. Các chính phủ hiện đang tìm kiếm các cách thức buộc công ty này phải chịu trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Facebook Richard Allan thừa nhận công ty đã mắc sai lầm trong việc xử lý các vụ bê bối dẫn đến mất lòng tin của dư luận. Mạng xã hội này cũng thừa nhận tầm quan trọng của luật bảo vệ dữ liệu. Tuy nhiên, ông Allan từ chối đưa ra ví dụ về phương thức Facebook áp dụng để cấm một cá nhận hoặc phần mềm sử dụng dữ liệu trái phép, ngoài phần mềm thu thập dữ liệu GSR mà Cambridge Analytica đã sử dụng trong vụ bê bối trước đó.
Facebook đang trải qua cuộc khủng hoảng suy giảm danh tiếng khi bị dư luận chỉ trích thiếu các biện pháp bảo mật thông tin người dùng sau vụ bê bối công ty Cambridge Analytica của Anh sử dụng trái phép dữ liệu "đánh cắp" từ 87 triệu người dùng mạng xã hội này. Bên cạnh đó, Facebook liên tiếp bị chỉ trích sau khi có thông tin các đặc vụ Nga đã sử dụng Facebook để tuyên truyền những thông tin sai lệch trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Moskva luôn bác bỏ cáo buộc này.
Những nội dung điều tra của nhà chức trách Anh và EU đối với Facebook bao gồm những quan ngại về hoạt động của mạng xã hội khổng lồ này, vai trò trong việc quảng bá chính trị, cũng như khả năng can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), bầu cử Mỹ 2016.