Dùng chung xe bồn để tiết kiệm chi phí
Theo Thời báo Hoàn cầu, chính phủ Trung Quốc đã thành lập một nhóm điều tra cấp cao để kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn vận chuyển thực phẩm, sau khi một bài viết trên phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin các công ty đang sử dụng xe bồn chở nhiên liệu để chở dầu ăn.
Tuần trước, tờ Beijing News xuất bản một bài viết, cáo buộc những chiếc xe bồn chở xăng đã được sử dụng để vận chuyển cả dầu ăn và nhiên liệu hóa chất. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các công ty đã không làm sạch khoang chứa giữa các chuyến hàng để tiết kiệm chi phí.
Bài báo đã làm dấy lên mối lo ngại về an toàn thực phẩm trong công chúng, khiến đồng loạt hãng truyền thông lớn tại Trung Quốc kêu gọi các nhà chức trách nhanh chóng điều tra tìm ra câu trả lời.
Trong một bản tin ngày 9/7, đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết Quốc vụ viện đã thành lập một nhóm điều tra có các thành viên thuộc một số cơ quan chính phủ để xử lý vấn đề. Các thành viên trong nhóm điều tra bao gồm người của Cơ quan lập kế hoạch, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Công an và Bộ Giao thông, cơ quan quản lý nhà nước về điều tiết thị trường, ngũ cốc và dự trữ, cùng các cơ quan khác.
Một số công ty dầu ăn, trong đó có hai công ty được đề cập trong bài viết đăng trên Beijing News – cũng đã tiến hành các cuộc điều tra riêng.
Một công ty con của công ty ngũ cốc nhà nước Sinograin và một công ty lớn khác là Tập đoàn Dầu và Ngũ cốc Hopefull cũng được nêu tên. Hiện cả hai công ty đều không xác nhận hay phủ nhận các cáo buộc.
Trong một phản hồi được đăng trên Weibo ngày 6/7, Sinograin cho biết họ đã ra lệnh cho một công ty con thực hiện một cuộc điều tra và cũng khởi động một cuộc điều tra toàn diện giữa các công ty liên kết.
Sinograine cũng cam kết chấm dứt ngay lập tức hợp tác và đưa vào danh sách đen bất kỳ công ty vận tải và phương tiện nào bị phát hiện vi phạm quy định. Theo Sinograin, bất kỳ sai phạm nào được phát hiện sẽ được báo cáo cho các cơ quan quản lý, đồng thời cam kết kỷ luật các công ty liên kết và nhân viên bị phát hiện vi phạm các quy tắc.
Trong khi đó, đại diện của Hopefull Grain and Oil ngày 8/7 nói rằng công ty sẽ phối hợp điều tra với các cơ quan quản lý. Sau khi cuộc điều tra được kết luận, thông báo chính thức cập nhật sẽ được đưa ra.
Tuy nhiên, đại diện Hopefull nêu rõ hiện công ty không sở hữu chiếc xe bồn nào. Mọi phương tiện vận chuyển đều là yêu cầu từ phía khách hàng. Thành lập vào năm 1999, Hopefull Grain and Oil là công ty dẫn đầu thị trường với các nhà máy ở các tỉnh Hà Bắc, Giang Tô và Liêu Ninh, với tổng công suất chế biến là 10 triệu tấn.
Ngoài 2 công ty trên, một số thương hiệu khác đã phủ nhận họ có liên quan đến bê bối này, trong khi một số khác đã tiến hành cuộc điều tra riêng.
Trong một tuyên bố mới đây, nhà sản xuất và kinh doanh dầu ăn Hainan Jingliang Holdings cho biết họ đã tiến hành kiểm tra nội bộ và xác nhận các công ty con của họ tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm.
Trả lời hãng truyền thông The Paper, Yihai Kerry Arawana Holdings - một công ty nổi tiếng với thương hiệu dầu ăn Jinlongyu - khẳng định công ty có các biện pháp giám sát nghiêm ngặt và tất cả quy trình vận chuyển đều tuân thủ quy định, đồng thời khẳng định “bê bối này không liên quan đến chúng tôi”.
Trong một bình luận liên quan đến bê bối dầu ăn, đài truyền hình CCTV cảnh báo vụ việc cho thấy "sự coi thường cực độ" đối với sức khỏe người tiêu dùng.
“Thông thường, thay vì những thực phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ cần chọn thương hiệu lớn, chọn nhà sản xuất uy tín thì sẽ tránh được dầu ăn kém chất lượng. Nhưng ngay cả những thương hiệu lớn cũng có thể có những sơ hở trong quá trình vận chuyển. Điều này rõ ràng hầu hết mọi người không thể ngờ tới”, CCTV viết trên tài khoản WeChat chính thức ngày 8/7.
Cùng ngày, cơ quan giám sát tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc đã công bố một loạt báo cáo về các cuộc thanh tra được thực hiện vào năm ngoái, trong đó có Sinograin. Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương không đề cập đến bất kỳ vấn đề nào liên quan đến quá trình vận chuyển hàng hóa của Sinograin.
Đây không phải là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc đưa tin về những bê bối liên quan đến vận chuyển dầu ăn.
Những sai phạm tương tự đã được phát hiện ở thành phố Nam Ninh vào năm 2005 và tỉnh Hồ Nam, tỉnh Quảng Đông trong năm 2015.
Khách hàng Mỹ lo ngại dầu “pha trộn”
Theo hãng tin Reuters, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đang thúc đẩy một lệnh hạn chế pháp lý đối với việc gia tăng nhập khẩu dầu ăn đã qua sử dụng (UCO) từ Trung Quốc và các nơi khác trong bối cảnh lo ngại một số lô hàng có thể bị pha trộn.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học Mỹ đã nhập khẩu khối lượng UCO đáng kể để sản xuất các sản phẩm như dầu diesel sinh học nhằm nhận được trợ cấp sinh lợi về khí hậu chính phủ. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, số lượng UCO nhập khẩu vào nước này đã tăng hơn gấp ba lần vào năm 2023 so với một năm trước đó, với hơn 50% đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhóm công nghiệp và sản xuất nhiên liệu sinh học của Mỹ đang ngày càng lo lắng một lượng đáng kể nguồn cung đó là giả mạo và thúc giục chính phủ thắt chặt giám sát việc nhập khẩu.
Nghi ngờ ngày càng gia tăng sau khi ngành nhiên liệu sinh học châu Âu bày tỏ lo ngại tương tự về dầu ăn từ Trung Quốc vào năm ngoái. Họ cho rằng dầu ăn đã qua sử dụng của Trung Quốc có thể không phải loại nguyên bản mà đã được trộn với dầu thực vật tươi như dầu cọ nguyên chất - một sản phẩm liên quan đến thiệt hại về khí hậu và môi trường do nạn phá rừng. Điều này có thể làm giảm giá trị của mặt hàng và vi phạm luật về nhiên liệu sinh học của Mỹ.
Về phần mình, các nhà quan sát Trung Quốc cho biết các hoạt động bảo hộ ngày càng tăng của Mỹ như việc áp hạn chế lên UCO Trung Quốc sẽ cản trở mối quan hệ song phương trở lại bình thường, và từ đó sẽ khiến các công ty và người tiêu dùng Mỹ phải trả giá đắt.
Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, ngày 6/7 cho biết: “Mỹ đang hoảng loạn. Thật vô lý khi Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn đậu nành từ Mỹ để sản xuất dầu ăn, trong khi Mỹ không thể chịu nổi việc các công ty Trung Quốc xuất khẩu UCO sang Mỹ”.
Theo số liệu từ công ty tư vấn, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn đậu nành từ Mỹ trong 5 tháng đầu năm.
Trong khi đó, ông Song Wei, Giáo sư trường quan hệ quốc tế và ngoại giao tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, chỉ ra lĩnh vực chế biến UCO liên quan đến nhiều công ty và tạo ra nhiều việc làm nên động thái bảo hộ của Mỹ sẽ gây ra tác động sâu rộng đến ngành UCO và gây tổn hại cho thị trường việc làm của nước này.