Mưa lớn tuần qua đã gây ngập lụt tại vùng thung lũng, nơi tháp giáo đường tọa lạc, thuộc tỉnh Ghor miền Tây Afghanistan. Hình ảnh video cho thấy nước lũ ập vào chân công trình xây bằng gạch đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới này.
Chính phủ Afghanistan đã thuê một nhóm nhân công làm việc liên tục trong 3 ngày để “chuyển hướng” dòng nước lũ khỏi khu vực trên.
Dù nước lũ hiện không còn là mối đe dọa đối với tháp giáo đường, song đã gây hư hại khoảng 15 mét đoạn tường bao quanh tháp. Giới chức địa phương cho biết chính quyền cần huy động gấp một đội chuyên gia hỗ trợ vệ sinh sạch chân tháp và xây dựng các tường phù hợp để bảo vệ công trình trước nguy cơ mưa lũ trong thời gian tới.
Trong một thông báo, UNESCO cho biết chưa tiếp cận được tháp giáo đường ở Jam. Cơ quan này cho biết sẽ điều một đoàn chuyên gia tới khu vực này ngay khi điều kiện cho phép để đánh giá thực trạng của di sản.
Tháp giáo đường ở Jam được xây dựng vào năm 1190 tại khu vực giữa tỉnh Ghor và Herat, trung tâm của Vương triều Ghorid từng thống trị Afghanistan và nhiều khu vực của Ấn Độ vào thế kỷ XII và XIII. Với độ cao 65 mét, đây là công trình xây bằng gạch nung cao thứ hai thế giới. Tháp mang đầy đủ những đặc điểm về kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật của thời kỳ và vùng đất xây dựng.
Bên cạnh đó, lối kiến trúc và trang trí của tháp cũng tiêu biểu cho nền văn hóa Hồi giáo. Năm 2002, tháp giáo đường này cùng những di chỉ khảo cổ của tháp trở thành khu vực đầu tiên tại Afghanistan được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Tuy nhiên, trong hàng chục năm qua, di sản văn hóa này luôn bị đe dọa bởi thiên tai, tình trạng cướp bóc và quản lý lỏng lẻo, cũng như sự phá hoại của phiến quân Taliban.