Nga và Ukraine đạt thỏa thuận sơ tán dân thường ở tỉnh Kursk

Ngày 24/2, Ủy viên Nhân quyền của Nga Tatyana Moskalkova cho biết nước này đã đạt thỏa thuận với Ukraine và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế về việc sơ tán người dân từ tỉnh Kursk đang có xung đột.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát trong xung đột giữa Nga và Ukraine tại thị trấn Sudzha, vùng Kursk ngày 16/8/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời bà Moskalkova cho hay đã có một số người ở Kursk đến vùng Sumy lân cận. Nga đã đạt được thỏa thuận với Ukraine và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế về việc sơ tán những người này qua Belarus. Tuy nhiên, bà không cho biết có bao nhiêu người sẽ được sơ tán theo thảo thuận này.

Trong khi đó, người phát ngôn Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế Pat Griffiths cho biết tổ chức này đang hỗ trợ dân thường sơ tán ở vùng Sumy, nhưng không xác nhận về thỏa thuận.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moskva sẵn sàng đàm phán về cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Moskva sẽ chỉ chấm dứt xung đột sau khi đạt giải pháp hòa bình "phù hợp" với nước này, trong đó phải tính đến tình hình thực địa.

Trả lời họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan trong chuyến thăm Ankara, ông Lavrov nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ chỉ dừng chiến sự khi các cuộc đàm phán này mang lại kết quả vững chắc và bền vững phù hợp với Liên bang Nga".

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga cũng cho rằng việc lôi kéo Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một trong những nguyên nhân của cuộc xung đột ở Ukraine, do đó, Moskva hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề này trong cuộc đàm phán Nga - Mỹ ở Saudi Arabia hồi tuần trước.

Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tuyên bố Ankara ủng hộ sáng kiến của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột Ukraine, nhưng nhấn mạnh các cuộc đàm phán phải có sự tham gia của cả hai bên trong cuộc.

Cũng trong ngày 24/2, phát biểu trước các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Kiev, đánh dấu tròn 3 năm nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky đã kêu gọi "hòa bình thực sự, lâu dài". Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi cuộc xung đột ở Ukraine là "cuộc khủng hoảng trung tâm và gây hậu quả nhất đối với tương lai của châu Âu".

Nhằm tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, lãnh đạo các nước Bắc Âu và Baltic đã cam kết tăng cường viện trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu này.

Tuyên bố chung được các tổng thống của Phần Lan, Latvia, Litva cùng các thủ tướng của Đan Mạch, Estonia, Iceland, Na Uy và Thụy Điển nhấn mạnh: “Kết quả của cuộc xung đột sẽ có những tác động cơ bản và lâu dài đến an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương", do đó, các nước trên cam kết cung cấp thêm hỗ trợ cho Ukraine, trong đó có các trang thiết bị và việc huấn luyện, cũng như đầu tư thêm vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết nước này cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự mới, trị giá 1 tỷ euro (1,05 tỷ USD) trong năm nay.

Theo văn phòng Thủ tướng Sanchez, gói viện trợ này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh và quốc phòng song phương, ký kết vào tháng 5/2024. Năm ngoái, Madrid đã viện trợ hơn 1 tỷ euro cho quốc phòng Ukraine.

Mặc dù có tới 37 nước tham dự, song hội nghị thượng đỉnh đánh dấu tròn 3 năm xung đột lại vắng đi sự có mặt của Mỹ. Việc ông Donald Trump trở lại làm ông chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ 2 đang đe dọa làm đảo lộn liên minh phương Tây, cũng như đặt ra câu hỏi về viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine.

Ngọc Hà (TTXVN)
Mong đợi nền hòa bình lâu dài ở Ukraine
Mong đợi nền hòa bình lâu dài ở Ukraine

Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ mong muốn hướng tới một thỏa thuận hòa bình lâu dài ở Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài tròn 3 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN