Nga tinh giản biên chế nhà nước qui mô lớn

Nga trong năm 2020 bắt đầu thực hiện cải cách hành chính công, trong đó giảm số lượng công chức nhà nước và tăng lương cho những công chức còn lại.

Chú thích ảnh
Nga sắp cải cách hành chính công, giảm số lượng công chức. Ảnh: RT

Thông tin trên do Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính Nga Tatyana Nesterenko thông báo với đài Sputnik trong một cuộc phỏng vấn. Bà Nesterenko cho biết: “Rõ ràng, tiết kiệm không phải là mục đích của cuộc cải cách, nhưng nguồn tiền dư thừa sẽ được sử dụng để tăng lương cho công chức. Nếu chúng ta không cắt giảm số lượng công chức theo kế hoạch thì ta sẽ không có một mức lương cạnh tranh dành cho công chức. Mặt khác, chúng ta sẽ cần phân bổ thêm tiền từ ngân sách với số lượng lên tới 100 tỷ ruble mỗi năm”.

Theo bà Nesterenko, cuộc cải cách hành chính công này sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, số lượng nhân viên các văn phòng trung ương của cơ quan hành pháp liên bang sẽ bị giảm 10%, còn các cơ quan địa phương sẽ bị giảm 5% trong năm 2020. Trong năm 2021, Chính phủ Nga dự định đẩy mạnh giảm số lượng công chức trong các cơ quan địa phương tới 15%. Trong giai đoạn thứ hai, sẽ có thay đổi về cơ cấu hệ thống hành chính công và tinh giản nhiều công chức hơn nữa.

Ở Nga, có trên 855.000 công chức nhà nước. Trong số đó, có 603.000 người là công chức liên bang và 252.000 người là công chức địa phương. Tính ra cứ 10.000 người thì có 163 người làm việc trong các chính quyền thành phố và quốc gia. Con số này chiếm 3,3% tổng số người trong lực lượng lao động ở Nga.

Trước đó, Chính phủ Nga đã thay đổi tiêu chí đánh giá công chức. Sự nghiệp của công chức phụ thuộc vào phản hồi của người dân bình thường cũng như phản ứng và hành động của họ với các đánh giá đăng trên mạng internet. Quy định đánh giá công chức trên do Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ký và đăng trên trang web của chính phủ hồi năm 2018. 

Theo quy định, lãnh đạo địa phương của cơ quan nhà nước có thể do người dân bình thường đánh giá. Dựa trên kết quả đánh giá, các lãnh đạo này có thể bị cách chức khỏi vị trí.

Người dân có thể đánh giá hai khía cạnh của một công chức: công việc và cách xử lý các phản hồi đăng trên trang thông tin liên lạc giữa nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước khác nhau.

Tháng 11/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh, trong đó có các chi tiết về tiêu chí để đánh giá thống đốc vùng và các quan chức trong nhánh hành pháp. Các tiêu chí gồm thu nhập trung bình, tỷ lệ người dân có thu nhập dưới chi phí sinh hoạt, nhà ở, chất lượng dịch vụ cộng đồng… Ngoài ra, đánh giá của người dân với các thống đốc khu vực cũng được xem xét.

Trước đó, từ ngày 1/7/2016, Nga đã yêu cầu công chức phải báo cáo hoạt động trên mạng xã hội. Ngay cả việc "like" gì trên Facebook, Twitter hay mạng xã hội nào khác đều phải báo cáo. Họ phải báo cáo mọi “nickname”, các cuộc trò chuyện (“chat”). 

Theo quy định, tất cả các công chức cấp quốc gia và thành phố, thậm chí các ứng cử viên vào vị trí này, đều phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan về những thông tin mình đăng trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn và các phần mềm “chat”, cũng như có nghĩa vụ phải cho phép lãnh đạo kiểm tra các thông tin đó.

Quy định chỉ đề cập đến các thông tin công khai và thông tin cho phép nhận diện cá nhân đăng tải. Công chức đã vào biên chế thì phải báo cáo trước ngày 1/4 hàng năm. Còn các ứng cử viên trước khi được tuyển dụng phải báo cáo về hoạt động của mình trên các trang mạng xã hội trong ba năm gần nhất. Những người từ chối cung cấp thông tin có thể bị sa thải hoặc không được tuyển dụng.

Các tác giả của luật mới chỉ ra rằng việc người đại diện của lãnh đạo có quyền tiếp cận thông tin trên Internet không chỉ giúp họ ra quyết định tuyển dụng hay không tuyển dụng công chức, mà còn giảm thiểu các rủi ro tham nhũng và đảm bảo tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Quy định nhằm giải quyết tình trạng nhiều quan chức dành quá nhiều thời gian làm việc cho việc đăng và bình luận trên mạng xã hội. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Không được trả lương, hàng trăm công chức liên bang Mỹ biểu tình
Không được trả lương, hàng trăm công chức liên bang Mỹ biểu tình

Ngày 23/1, hàng trăm công chức liên bang Mỹ, không được trả lương trong nhiều tuần qua vì chính phủ đóng cửa một phần, đã biểu tình tại thủ đô Washington nhằm phản đối tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn một tháng qua ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN