Ngày 12/7, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva đang lên kế hoạch thảo luận về việc chuyển đổi sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại với các nước ở Đông Nam Á. Động thái này là một phần trong nỗ lực của Moskva nhằm loại bỏ đồng đô la Mỹ và đồng euro trong các giao dịch kinh doanh.
Do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva, kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giảm 4,4% vào năm 2022 - theo Bộ trên cho biết trong một tuyên bố trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Sergey Lavrov tới Jakarta, Indonesia.
“Để cải thiện tình hình, Nga đang tiến hành các cuộc tham vấn về việc đưa tiền tệ quốc gia vào các thỏa thuận chung", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trên trang web chính thức.
Ông Lavrov đang ở Jakarta trong tuần này để gặp gỡ những người đồng cấp ASEAN (gồm các nước Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), nhằm thúc đẩy mối quan hệ bền chặt hơn.
Sau khi bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt, Nga và các đối tác thương mại của họ ở khối các quốc gia đang phát triển đã tăng cường nỗ lực nhằm giảm việc sử dụng hệ thống tài chính phương Tây và thay thế đồng đô la Mỹ, đồng euro bằng các loại tiền tệ quốc gia để thanh toán thương mại.
Xu hướng này được hỗ trợ bởi các thành viên của BRICS, khối các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cũng như nhiều quốc gia khác muốn tham gia liên minh. Trong số các loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi thay cho đồng đô la Mỹ có đồng rúp của Nga, nhân dân tệ của Trung Quốc và dirham của UAE.
Trước đó, ngày 11/7, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết tỷ trọng của đồng đô la Mỹ và euro trong các hoạt động ngoại thương của Nga tiếp tục giảm hàng tháng, tức tỷ trọng của đồng rúp liên tục tăng.
Theo tính toán, 39% các khoản thanh toán cho các lô hàng xuất khẩu của Nga trong tháng 5 được thực hiện bằng đồng rúp, và 30% cho hàng nhập khẩu. Ngân hàng trung ương Nga cho biết tỷ lệ của đồng đô la Mỹ và euro đã giảm trong xuất khẩu và nhập khẩu xuống lần lượt là 33% và 35%.
Cùng với sự gia tăng tỷ trọng của đồng rúp, “sức nặng” của đồng nhân dân tệ Trung Quốc trong hoạt động ngoại thương của Nga cũng ngày càng tăng. Đồng tiền này đạt 25% trong xuất khẩu trong tháng 5 so với 23% trong tháng 4 và duy trì ở mức 31% trong nhập khẩu. Về giá trị, doanh thu xuất khẩu hàng tháng bằng đồng nhân dân tệ tăng từ 7,4 tỷ USD lên 8,4 tỷ USD và từ 8 tỷ USD lên 8,1 tỷ USD trong thanh toán nhập khẩu.
Nga đã tích cực thay thế USD và euro trong ngoại thương vào năm ngoái trong bối cảnh hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine. Kể từ đó, Nga đã giảm đáng kể số lượng tài khoản ngân hàng và giao dịch giữa các công ty và tổ chức tài chính liên quan đến tiền tệ phương Tây. Trước cuộc xung đột, tỷ lệ đồng đô la Mỹ và đồng euro trong các giao dịch ngoại thương của Nga là khoảng 90%.
Tháng trước, Bộ Tài chính Nga cho biết họ dự kiến tỷ trọng của các đồng tiền phương Tây trong thương mại của Nga sẽ giảm xuống còn 10-15% vào cuối năm nay.
Theo số liệu chính thức, tính đến tháng 6, tỷ lệ đồng rúp trong các khoản thanh toán giữa Nga và các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) đã đạt 75%, trong khi hơn 80% các khoản thanh toán giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng rúp hoặc nhân dân tệ.