Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ: "Hai bên đặc biệt chú ý đến triển vọng thực hiện sáng kiến do Tổng thống Nga đưa ra vào tháng 10 và được Tổng thống Erdogan ủng hộ, nhằm thành lập một trung tâm khí đốt lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ".
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố thông báo về cuộc gặp trên, đồng thời cho biết các nhóm chuyên gia của nước này sẽ tiến hành đánh giá trên các phương diện như công nghệ, pháp lý và thương mại cần thiết để đạt thỏa thuận chung trong thời gian sớm nhất.
Tháng trước, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ đã nhất trí về việc thành lập một trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định các nước châu Âu có thể nhận khí đốt từ trung tâm này. Tổng thống Putin nêu rõ trung tâm này sẽ không chỉ đảm bảo nguồn cung, mà còn có thể giúp ổn định giá cả, một vấn đề rất quan trọng trong mua - bán khí đốt.
Cũng tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vừa được gia hạn, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi toàn diện và đầy đủ thỏa thuận này. Tổng thống Erdogan đã đánh giá tích cực lập trường mang tính xây dựng của người đồng cấp Nga đối với thỏa thuận trên. Ông đồng thời nêu bật ý nghĩa to lớn của việc nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao tìm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, cho rằng các cuộc gặp vừa qua giữa quan chức tình báo Nga và Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ "đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn tình hình leo thang không kiểm soát".
Trước đó, ngày 17/11, thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ hết hạn vào ngày 19/11, đã được kéo dài thêm 4 tháng theo các điều khoản hiện hành.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), bà Rebeca Grynspan cho biết LHQ sẽ hướng đến một giai đoạn gia hạn dài hơn, sau thời hạn 120 ngày vừa đạt được. Phát biểu với báo giới, bà Grynspan cho biết: “Chúng tôi rất hài lòng về việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là liên quan tới xuất khẩu phân bón hóa học”.
UNCTAD đang nỗ lực giải quyết những lo ngại của phía Nga liên quan đến phân bón, có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận vừa được gia hạn nói trên. Moskva muốn đảm bảo rằng ngũ cốc và phân bón xuất khẩu của mình là một phần trong thỏa thuận trên, nhưng cho biết các tàu chở hàng của mình đang chịu ảnh hưởng gián tiếp của các lệnh trừng phạt.
Tại họp báo, bà Grynspan đã thông báo một tàu chở 20.000 tấn phân NPK của Nga sẽ lên đường vào ngày 21/11, rời cảng ở Hà Lan đi Malawi qua ngả Mozambique và cho biết việc này sẽ giúp giảm được sự ùn ứ của 300.000 tấn phân bón của Nga tại các cảng ở châu Âu. Bà bày tỏ hy vọng đây sẽ là hình mẫu cho các chuyến tàu trong tương lai, đồng thời cho biết thêm rằng các bên đang phối hợp để thực hiện một chuyến hàng viện trợ khác đến Tây Phi.
Bà Grynspan cũng bày tỏ lạc quan rằng Nga và Ukraine sẽ nhất trí về các điều kiện nối lại xuất khẩu amoniac của Nga thông qua một đường ống dẫn ra Biển Đen. Việc xuất khẩu amoniac, một thành phần quan trọng của phân bón, không nằm trong nội dung thỏa thuận vừa được nối lại. Phân bón hóa học được coi là một loại hàng viện trợ nhân đạo của công ty phân bón Uralchem/Uralkali của Nga cho các nước đang rất cần sử dụng ở châu Phi.