Động thái của Nga diễn ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) từ chối bật đèn xanh cho Moskva triển khai “Dòng chảy phương Nam”, với tuyên bố Gazprom vi phạm các điều khoản của EU về “Gói năng lượng thứ 3” liên quan đến chống độc quyền mà đằng sau đó thực chất là đòn đáp trả của châu Âu trước việc Crimea sáp nhập vào Nga. Gazprom gần như mất trắng khoản tiền 5 tỉ USD đã đổ vào dự án này. Liền sau đó, Nga đề xuất với Thổ Nhĩ Kỳ bản kế hoạch xây tuyến đường ống thay thế chạy qua lãnh thổ nước này và không vướng đến các quy định của EU. Đổi lại, Ankara sẽ nhận được những ưu đãi về giá bán khí.
Ngoài dự án với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ còn quan tâm đến nhiều tuyến đường ống khác dẫn tới châu Âu. Ảnh: Global Source |
Chỉ có điều các cuộc đàm phán kéo dài trong nhiều tháng qua vẫn chưa mang lại kết quả và hai bên vẫn chưa thể ký kết một thỏa thuận cuối cùng. Đến ngày 14/9 vừa qua, Phó Tổng Giám đốc điều hành Gazprom Alexander Medvedev chính thức lên tiếng thừa nhận dự án bị trì hoãn, xuất phát từ những yếu tố liên quan đến “khủng hoảng chính trị” tại Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh đạo Gazprom cũng nói rằng, vì việc thi công, lắp đặt đường ống không được triển khai vào tháng 6/2015 theo kế hoạch, nên giờ không thể nói đến mốc thời điểm hoàn thành dự án vào tháng 12/2016 nữa.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Sefa Sadik Aytekin thừa nhận Mosvka và Ankara đã không đạt được bước đột phá trong các vòng đàm phán, vì không thể giải quyết những bất đồng tại thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ do một chính phủ lâm thời nắm quyền, chuẩn bị phải tiến hành cuộc tổng tuyển cử lần hai. Thế nhưng ông cũng nhấn mạnh, bế tắc còn là bởi Gazprom coi việc giảm giá bán khí đốt cho Tập đoàn khí đốt BOTAS là điều kiện tiên quyết cho dự án, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ xem đây là điểm khởi đầu. Ông cho biết Nga đã không chấp nhận yêu cầu về nâng mức chiết khấu giá bán từ 6% lên 10,5%. “Tôi không cho rằng hai bên thiếu tin tưởng lẫn nhau. Nhưng nếu như Nga chấp nhận mức 10,5% mà không gắn với điều kiện tiên quyết thì có lẽ quan điểm đã gần nhau hơn”, Thứ trưởng Aytekin bình luận và nói Ankara phải đối mặt với “nhiều mối nguy hiểm lớn” nếu chấp thuận dự án này.
Ông Aytekin không nói rõ về “mối nguy”, nhưng giới chức nước này thì cho rằng Nga đã không tính đến những căng thẳng gần đây trong quan hệ của nước này với phương Tây và tác động của nó đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang chịu sức ép rất lớn từ Mỹ, EU cũng như các đối tác tại khu vực - cụ thể là Azerbaijan và một số nước cung cấp khí đốt, yêu cầu không ký kết thỏa thuận với Nga. Một số quan chức trong chính quyền coi siêu dự án mà Moskva đưa ra sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm trung chuyển khí đốt của cả khu vực. Nhưng không ít người nói rằng ký với Nga đồng nghĩa với việc “giết chết” các tiềm năng hợp tác với các đối tác cung cấp khí đốt trong khu vực như Iraq, Iran, Turkmenistan, Azerbaijan.
Nhu cầu của châu Âu không tăng đến mức độ đủ hấp thụ tất cả các nguồn cung tại những dự án mà Thổ Nhĩ Kỳ đang và sẽ là một bên tham gia.. Vì thế, trong tầm nhìn của mình, Ankara cho rằng “Dòng chảy” khí đốt mà Nga đề xuất phải có sự thích ứng với các tuyến đường ống khác tại khu vực.