Nga tăng cường khai thác vàng ở châu Phi để đối phó lệnh trừng phạt

Đối mặt với các hậu quả tài chính quốc tế do cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đang tăng cường khai thác và nhập khẩu vàng từ các nước châu Phi nhằm hạn chế những tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: BI

Đó là nhận định của chuyên gia phân tích Jędrzej Czerep thuộc Chương trình Trung Đông và Châu Phi của Viện Vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM) mới đây.

Theo ông Czerep, có một "cơn sốt tìm vàng" ở một số quốc gia châu Phi sau một loạt phát hiện về các mỏ mới ở Sahara và Sahel. Nó cũng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với vàng trên thị trường toàn cầu trong những năm gần đây, vốn càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19. Do đó, trung tâm khai thác vàng ở lục địa này đang chuyển từ khu vực Nam Phi truyền thống sang các khu vực bất ổn ở Sahel và Tây Phi, nơi Nga đang củng cố ảnh hưởng của mình. 

Tại Sudan, nơi khai thác khoảng 100 tấn vàng hàng năm, hoạt động khai thác vàng đã thay thế khai thác dầu thô. Ghana và Mali cũng có các hoạt động tương tự. 

Phần lớn giao dịch vàng châu Phi, đặc biệt là trong các mỏ mới, nằm ngoài kiểm soát của nhà nước. Ví dụ, Burkina Faso ghi nhận năm 2018 chỉ có 300 kg vàng được sản xuất bởi các nhóm nhỏ, độc lập, trong khi ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 15-20 tấn. Năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Sudan thông báo chỉ có khoảng 20% ​​lượng vàng được xuất khẩu qua các kênh chính thức ở nước này. 

Kể từ năm 2010, Ngân hàng trung ương Nga đã liên tục tăng dự trữ vàng của mình. Ngoài việc mua vào từ các nhà sản xuất trong nước (Siberia), Nga phần lớn nhập khẩu vàng từ các nước châu Phi, chủ yếu là qua các kênh không chính thức.

Triển vọng tiếp cận vàng là một trong những lý do khiến Nga tăng cường hiện diện quân sự và kinh doanh ở châu Phi trong những năm gần đây, thông qua hỗ trợ chính trị và mở ra không gian hoạt động cho các nhà tài phiệt muốn vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo cách này, kể từ năm 2017, Moskva đã xây dựng quan hệ đối tác với chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) của Sudan, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng cầm quyền nước này và kiểm soát một phần lớn hoạt động khai thác vàng của Sudan. Nhờ sự hỗ trợ của ông Dagalo, trong những năm gần đây, Nga có thể nhập khẩu không chính thức từ nước này tới 30 tấn mỗi năm, trong khi giá trị nhập khẩu chính thức là rất nhỏ. 

Hoạt động này ở châu Phi đã góp phần bảo vệ tương đối tốt hệ thống tài chính của Nga trước những tác động từ những lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây. Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, vàng đã giúp duy trì giá trị của đồng rúp, bất chấp chi phí ngày càng tăng từ cuộc xung đột và thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bất kể những hạn chế được áp đặt, Nga vẫn có khả năng bán vàng một cách không chính thức thông qua các nước thứ ba hoặc bên ngoài các kênh của ngân hàng trung ương. Điều này cho phép các nhà chức trách Nga phục hồi và ổn định giá trị của đồng rúp sau những lần mất giá ban đầu. Vàng cũng có thể được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay và đầu tư vốn cho các doanh nhân và giới tài phiệt Nga có tài sản ở nước ngoài bị phong tỏa.

Tóm lại, Nga đã mở rộng hiện diện ở châu Phi trong vài năm qua, cho phép các thực thể từ Nga thu được vàng theo cách không chính thức, qua đó giúp tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính của Moskva.

Công Thuận/Báo Tin tức (PISM.pl)
Những điểm yếu trong lệnh trừng phạt dầu Nga của EU
Những điểm yếu trong lệnh trừng phạt dầu Nga của EU

Mặc dù EU đã thể hiện đoàn kết thông qua lệnh cấm một phần nhập khẩu dầu của Nga, nhưng các biện pháp trừng phạt này vẫn có những lỗ hổng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN