Phát biểu tại họp báo, bà Zakharova một lần nữa khẳng định ngoại giao "luôn là ưu tiên hàng đầu" của Nga nhưng trong trường hợp này, Moskva đã thử mọi khả năng mà không nhận được kết quả. Bà Zakharova nhấn mạnh Nga không từ chối đối thoại, không từ chối tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột, khẳng định đây là lập trường không thay đổi của Moskva dù là với đồng minh, bạn bè, đối tác hay kể cả những quốc gia không thân thiện. Bên cạnh đó, bà Zakharova cũng chỉ trích các nước phương Tây vì tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 1 năm ngày Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi Moskva không nhận được những hồi đáp rõ ràng từ phương Tây trước những quan ngại về an ninh của quốc gia này. Nga và Ukraine đã tiến hành một số vòng đàm phán nhằm tháo gỡ căng thẳng. Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký quyết định không đàm phán với Nga chừng nào nước này còn do Tổng thống Vladimir Putin đứng đầu.
Trong khi đó, ở thủ đô Vácsava (Ba Lan), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) tại để thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ cho Kiev. Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ bảo vệ "từng tấc đất của NATO" và lưu ý đặc biệt đến sườn phía Đông của khối này. Lãnh đạo các quốc gia gồm Bulgaria, CH Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Lítva, Ba Lan, Romania và Slovakia cũng tham dự cuộc họp. Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp, các lãnh đạo này kêu gọi tăng cường năng lực quốc phòng tại sườn Đông NATO, từ biển Baltic tới biển Đen. Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các đồng minh tăng cường ủng hộ Kiev.
Hiện Đức và nhiều nước phương Tây đang hỗ trợ đào tạo khoảng 1.000 binh sĩ Ukraine cách sử dụng xe tăng cũng như nhiều loại vũ khí dự kiến sẽ sớm được tăng cường cho Kiev trong thời gian tới. Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nội dung phỏng vấn của hãng tin Reuters (Anh) với Trung tướng Andreas Marlow, thuộc Bộ Tư lệnh huấn luyện đặc biệt có trụ sở tại thị trấn Strausberg gần Berlin (Đức), cho biết cơ quan này hiện có nhiều chuyên gia huấn luyện từ Na Uy và Hà Lan đang thực hiện các chương trình huấn luyện cho binh lính Ukraine đồng thời kêu gọi các quốc gia khác cùng tham gia và cử thêm các chuyên gia huấn luyện bổ sung vào cuối tháng 3.
Bộ Tư lệnh huấn luyện đặc biệt, một phần trong sứ mệnh quân sự của EU, được thành lập hồi tháng 11/2022, có thể huấn luyện tới 30.000 binh sĩ Ukraine sử dụng những kỹ năng khác nhau. Các khóa huấn luyện sẽ diễn ra ở nhiều quốc gia châu Âu khác nhau, bao gồm từ huấn luyện cơ bản đến vận hành xe tăng chiến đấu hiện đại như Leopard 2, hệ thống phòng không, bệ phóng tên lửa và pháo. Ngoài Ba Lan là một trung tâm đào tạo lớn, Tây Ban Nha, Pháp, CH Séc, Slovakia, Romania và Italy cũng đang tổ chức các khóa huấn luyện. Không chỉ sứ mệnh của EU, quân đội Mỹ và Anh cũng đang huấn luyện quân đội Ukraine ở châu Âu.
Cũng theo Reuters, một số quan chức Mỹ tiết lộ Chính phủ Mỹ đã thông báo tới Ukraine rằng Washington không sở hữu nguồn lực vô tận để hỗ trợ Kiev. Ngoài ra, Reuters cũng dẫn kết quả của cuộc điều tra xã hội học do hãng tin này phối hợp với Ipsos tiến hành trước đó cho thấy tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ chính sách hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã giảm đi. Tháng 4/2022, 73% số người được hỏi ủng hộ chính sách này. Đến đầu tháng 2/2023, tỷ lệ ủng hộ giảm xuống mức 58%. Trong khi đó, một số thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ hiện phản đối chính sách cung cấp hỗ trợ quân sự không giới hạn cho Ukraine.