Nga nêu điều kiện để đối thoại về vũ khí hạt nhân với Mỹ

Ngày 25/10, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố việc rút các vũ khí hạt nhân chiến lược khỏi châu Âu và loại bỏ cơ sở hạ tầng của số vũ khí này là điều kiện tiên quyết để đối thoại về các loại vũ khí như vậy giữa Nga và Mỹ.

Chú thích ảnh
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại Hội đồng Cố vấn Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt James Martin (CNS) của Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Monterey (bang California), Đại sứ Antonov nêu rõ: "Điều kiện tiên quyết để thảo luận về các vũ khí hạt nhân phi chiến thuật là rút các đầu đạn loại này của Mỹ khỏi châu Âu về lãnh thổ quốc gia, loại bỏ cơ sở hạ tầng lưu trữ và bảo trì vũ khí, đồng thời chấm dứt các hoạt động chia sẻ hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".

Đại sứ Antonov khẳng định Nga và Mỹ "vẫn tồn tại những bất đồng đáng kể về các vấn đề chủ chốt", ví dụ như phía Mỹ vẫn khăng khăng muốn mở rộng chế độ kiểm soát vũ khí hiện nay theo khuôn khổ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), bao gồm toàn bộ các loại vũ khí hạt nhân. 

Hôm 13/10, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga sẵn sàng tham gia tiến trình đàm phán mang tính xây dựng về vấn đề kiểm soát vũ khí với Mỹ và Moskva không sử dụng các loại vũ khí tiên tiến để đe dọa bất cứ quốc gia nào.

New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ - hai quốc gia vốn nắm giữ hơn 90% lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới. Theo hiệp ước, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. New START đã được thực thi từ năm 2011 và vào ngày 3/2 năm nay, Mỹ và Nga đã nhất trí gia hạn 5 năm hiệp ước New START, đến ngày 5/2/2026.

Thanh Phương (TTXVN)
IAEA tăng cường giám sát hoạt động hạt nhân của Iran
IAEA tăng cường giám sát hoạt động hạt nhân của Iran

Báo cáo ngày 25/10 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết động thái gần đây của Iran nhằm mở rộng kế hoạch làm giàu urani vượt quá mức độ tinh khiết 20% tại nhà máy thử nghiệm đặt trên mặt đất ở cơ sở hạt nhân Natanz đã buộc IAEA phải tăng cường các hoạt động giám sát tại nhà máy này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN