Nga, Mỹ phối hợp giải quyết khủng hoảng Syria

Giải pháp cho vấn đề Syria đã đạt bước tiến đáng kể trên phương diện ngoại giao, khi Nga và Mỹ đã nhất trí cùng thúc đẩy nỗ lực nhằm chấm dứt khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này, theo đó tổ chức một hội nghị quốc tế về Syria.

Đề xuất chung nói trên đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 7/5 vừa qua. Giới chức hai nước nhất trí sẽ khuyến khích Chính phủ Syria cũng như các nhóm đối lập tìm kiếm một giải pháp chính trị. Dự kiến Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ để đến cuối tháng năm này tổ chức một hội nghị quốc tế tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (thứ 2 trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thứ 2 phải) tại cuộc hội đàm bàn về khủng hoảng tại Syria, ngày 7/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Sáng kiến trên đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ nhiều nước. Bộ Ngoại giao Pháp ngày 10/5 đã ra tuyên bố hoan nghênh cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về mục tiêu đạt được hòa giải thông qua đối thoại tại Syria. Tuyên bố nhấn mạnh Pháp ủng hộ giải pháp hòa bình, coi đây là ưu tiên hàng đầu cho vấn đề Syria, song không chấp nhận việc Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục tại vị.

Cũng trong ngày 10/5, Phó Tổng thống Iran Mohammad-Javad Mohammadizadeh cho biết nước này hoan nghênh đề xuất của Mỹ và Nga về một hội nghị quốc tế bàn về chấm dứt xung đột tại Syria, đồng thời bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ được tiến hành tại Geneva.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm ngày 10/5 với Thủ tướng Anh David Cameron đang ở thăm Nga. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí phối hợp nỗ lực nhằm thành lập một chính phủ chuyển tiếp ở Syria, mặc dù thừa nhận hai bên có những khác biệt về đường hướng giải quyết cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Ông Cameron nhấn mạnh các nỗ lực quốc tế "không chỉ nhằm đưa chính quyền và phe đối lập vào bàn đàm phán, mà Anh, Nga, Mỹ cùng các nước khác phải giúp đỡ hình thành một chính phủ mà tất cả các bên ở Syria có thể tin cậy".

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đang ở thăm Ba Lan cùng ngày khẳng định Moscow không có kế hoạch mới bán hệ thống phòng không của nước này cho Syria, song sẽ hoàn tất các hợp đồng đã ký trước đây, cho rằng việc này phù hợp với luật pháp quốc tế và chỉ phục vụ mục đích phòng vệ của Syria.

Ông Lavrov hiện có mặt tại Warsaw để tham dự cuộc họp với hai người đồng cấp Đức và Ba Lan. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng nhấn mạnh phải ngừng cung cấp vũ khí cho các bên tại Syria, khẳng định một thỏa thuận chính trị là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Trung Đông này.

Tại Washington cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa khẳng định có bằng chứng về việc vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc chiến tại Syria.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, có các bằng chứng rõ ràng về việc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu điều tra kỹ lưỡng các thông tin tình báo trước khi đưa ra các bước đi tiếp theo.

Về vấn đề này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết các xét nghiệm đối với những người bị thương trong cuộc xung đột tại Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các lực lượng Syria đã sử dụng vũ khí hóa học và Ankara đang tiến hành xét nghiệm thêm để xác định việc này.

Tuyên bố trên của giới chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trái với kết quả điều tra mới đây của LHQ, theo đó khẳng định không có bằng chứng xác thực nào về việc cả hai bên trong cuộc xung đột ở Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Liên quan đến cuộc chiến tại Syria, các nguồn tin ngoại giao ngày 10/5 cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ đưa nhóm phiến quân Mặt trận al-Nusra ở Syria, bị cáo buộc có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, vào danh sách trừng phạt trong tuần tới. Theo đó, các tài sản của nhóm này sẽ bị phong tỏa trên toàn cầu từ ngày 13/5.

Nhóm Hồi giáo thánh chiến trên là một trong những lực lượng chính tham gia cuộc chiến tại Syria và bị cáo buộc là thủ phạm của hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào các cơ quan chính phủ và dân thường. Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã yêu cầu HĐBA LHQ đưa Mặt trận al-Nusra vào danh sách trừng phạt, nhưng Anh và Pháp - hai nước vốn không công nhận chính quyền Damascus - phản đối động thái này. Tuy nhiên, London và Paris vừa gửi hai đơn riêng rẽ lên ủy ban trừng phạt Al-Qaeda của HĐBA chấp thuận việc này, và biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực vào ngày 13/5.

Trước đó, Mỹ đã đưa Mặt trận al-Nusra vào danh sách tổ chức khủng bố sau khi nhóm này liên kết với nhánh al-Qaeda tại Iraq, trong bối cảnh yếu tố Hồi giáo cực đoan đang ngày càng gia tăng trong cuộc xung đột kéo dài ở Syria, gây quan ngại cho toàn khu vực và các nước phương Tây, đồng thời gây chia rẽ sâu sắc giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shi'ite ở Trung Đông.


TTXVN/Tin tức





Syria sẽ 'đáp trả ngay lập tức' nếu Israel lại tấn công
Syria sẽ 'đáp trả ngay lập tức' nếu Israel lại tấn công

Sau hai cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu quân sự của Syria, ngày 9/5, Syria cảnh báo sẽ phản ứng ngay lập tức bất kỳ cuộc tấn công mới nào nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN