Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN ngày 27/1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Magnitsky là một sai lầm vì nó không có lợi cho quan hệ Nga - Mỹ cũng như trật tự luật pháp quốc tế. Thủ tướng Medvedev cho rằng Quốc hội Mỹ đã sai lầm khi, đúng vào thời điểm bãi bỏ tu chính án Jackson Vanik - sửa đổi luật đương nhiên bị bãi bỏ khi Nga chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) - lại thông qua Đạo luật Magnitsky.
Thủ tướng Medvedev cho rằng đạo luật Magnitsky sẽ không có lợi cho quan hệ Nga - Mỹ. Ảnh: Internet. |
“Đạo luật Magnitsky” được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 6/12 và sau đó được Tổng thống Barack Obama ký ban hành vào ngày 14/12, gồm nội dung công nhận việc bình thường hóa quan hệ thương mại với Nga, nhưng đi kèm với nó là những biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, do liên quan tới cái chết cách đây 3 năm của luật sưngười Nga Sergei Magnitsky.
Theo ông Medvedev, nhìn chung việc quốc hội một nước thông qua quyết định về quan hệ với một nước khác là rất không tốt, đặc biệt tồi tệ hơn khi đạo luật đó coi nhiều công dân của nước kia là có tội để cấm nhập cảnh và phong tỏa tài khoản. Điều này đi ngược lại mọi luật pháp cũng như các công ước quốc tế, và do đó Quốc hội Mỹ đã sai lầm trên phương diện pháp luật. Ông cảm thấy lấy làm tiếc vì sai lầm này được thực hiện có chủ ý, theo cách chính trị hóa vụ việc.
Theo quan điểm của Thủ tướng Medvedev, ở thế kỷ 21, bất cứ quốc gia nào, kể cả những cường quốc hùng mạnh như Mỹ, cũng không có quyền đưa ra quyết định như vậy, không ai có thể xóa bỏ chủ quyền của một quốc gia.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Thủ tướng Medvedev đã khẳng định lại quan điểm của Nga rằng chỉ người dân Syria mới có thể quyết định số phận của Tổng thống nước họ, ông Bashar al-Assad chứ không phải Nga, Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác.
Nhiệm vụ của Mỹ, các nước châu Âu cũng như các cường quốc trong khu vực là đưa các bên ở Syria ngồi vào bàn đàm phán, chứ không phải yêu cầu ông Assad phải ra đi và sau đó xử lý ông giống như các cựu lãnh đạo Muammar Caddafi của Libya và Hosni Mubarak của Ai Cập.
Ông Medvedev cũng chỉ trích Tổng thống Assad đã quá chậm chạp trong việc thực hiện các cải cách chính trị như đã cam kết, song cho rằng cả ban lãnh đạo Syria lẫn phe đối lập không chịu nhượng bộ đều phải chịu trách nhiệm trong việc để cho cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này ngày càng leo thang.
TTXVN/Tin tức