Ngày 14/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành cái gọi là "Đạo luật Magnitsky", gồm nội dung công nhận việc bình thường hóa quan hệ thương mại với Nga song đi kèm các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số cá nhân ở Nga mà Mỹ cho là "vi phạm nhân quyền".
Đạo luật trên ủng hộ thiết lập một quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Nga, chấm dứt những hạn chế mà Washington áp đặt đối với Moscow từ kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, đồng thời trao quy chế tương tự cho Mônđôva. Tuy nhiên, luật này đã khiến Mátxcơva tức giận vì đi kèm với nó là những biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, do liên quan tới cái chết cách đây 3 năm của luật sư nước này Sergei Magnitsky. Các biện pháp bao gồm cấm quan chức Nga liên quan tới Mỹ và phong tỏa mọi tài sản của họ tại Mỹ.
Phản ứng trước việc Mỹ ban hành Đạo luật Magnitsky, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố nêu rõ đạo luật của Chính phủ Mỹ thực chất là "mở đường cho việc can thiệp vào công việc nội bộ của Nga", đồng thời thể hiện một lập trường "nguy hiểm và mù quáng".
Trong một động thái được cho là nhằm đáp trả lại quyết định này, cùng ngày, Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua trong phiên đầu tiên xem xét một dự luật tương tự áp đặt trừng phạt đối với một số quan chức Mỹ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, liên quan tới cái chết của một cậu bé 2 tuổi người Nga. Theo "Dự luật Dima Yakovlev", các quan chức Mỹ liên quan này sẽ bị cấm tới Nga và bị phong tỏa toàn bộ tài sản tại nước này.
Văn kiện này dự kiến sẽ tiếp tục được Đuma Quốc gia thông qua trong hai phiên tiếp theo và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga phê chuẩn trước khi trình Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành để chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2013.
Trước đó, Tổng thống Putin đã lên án việc Quốc hội Mỹ thông qua "Dự luật Magnitsky", cho rằng văn kiện này đã "bị chính trị hóa, không thân thiện và gây phương hại đến quan hệ song phương". Hồi trung tuần tháng 11, Nga cảnh báo sẽ phản ứng gay gắt nếu Mỹ thông qua dự luật Magnitsky do cho rằng văn kiện đi ngược lại tinh thần hợp tác mà hai nước đã đạt được, trong đó có thỏa thuận mới đây về nới lỏng quy chế thị thực giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định quan hệ Nga-Mỹ phải được xây dựng trên cơ sở 3 nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không can thiệp công việc nội bộ của nhau và tôn trọng lợi ích lẫn nhau.
TTXVN/Tin tức