Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Ryabkov khẳng định: "Các âm mưu gây ảnh hưởng tới Moskva sẽ chỉ thất bại".
Phản ứng trên được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày thông báo Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai người Ukraine, một người Nga và 9 thực thể tại Ukraine và Nga. Các trừng phạt mới được đưa ra theo Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA) có hiệu lực năm 2017. Luật này nhằm tăng cường trừng phạt Moskva liên quan đến vấn đề Crimea.
Theo tuyên bố trên, một trong những thực thể bị trừng phạt là Công ty Southern Project vì có quan hệ với Ngân hàng Rossiya và doanh nhân người Nga Yuri Kovulchuk. Trong "danh sách đen" này có Andriy Sushko, một nhân viên Cơ quan An ninh liên bang Nga, và Bộ trưởng An ninh của nước CH tự xưng Luhansk.
Washington cũng đang hối thúc các nước EU duy trì các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga liên quan việc sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi Chính phủ Italy hối thúc khối này giảm bớt sức ép đối với Moskva.
Quyết định siết chặt trừng phạt trên được đưa ra trong khi Mỹ đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới liên quan vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại thành phố Salisbury của Anh, mà London cáo buộc do Moskva đứng đằng sau. Nga phủ nhận mọi cáo buộc về vụ việc này. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ sự áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nào cũng sẽ là "tuyên bố chiến tranh kinh tế".
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kể từ năm 2014 sau khi xảy ra các sự kiện tại Ukraine dẫn đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Phương Tây cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông và sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea nên áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt. Moskva cũng đã đưa ra nhiều biện pháp trả đũa khiến các doanh nghiệp châu Âu bị thiệt hại nặng. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều quốc gia thành viên EU lên tiếng kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga.