Thứ trưởng Rudenko nhấn mạnh "tất cả các bên liên quan đến việc giải quyết vấn đề Triều Tiên nên nhận ra rằng không thể quay lại ngoại giao thượng đỉnh năm 2018-2019, khi Triều Tiên có những cử chỉ thiện chí chủ động và không được đáp lại".
Theo Thứ trưởng Rudenko, hiện nay để quay trở lại chương trình nghị sự mang tính xây dựng, trước tiên Mỹ và các đồng minh nên "từ bỏ ý tưởng về các biện pháp trừng phạt và áp lực hơn nữa đối với Triều Tiên". Thứ hai, họ nên gửi tín hiệu cho phía Triều Tiên về sự sẵn sàng đối thoại trong một chương trình nghị sự mang tính xây dựng như giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin và các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, bên cạnh xây dựng một hệ thống kiểm soát vũ khí đa phương ở Đông Bắc Á.
Cũng liên quan đến vấn đề Triều Tiên, người phát ngôn Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) cho biết Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Triều Tiên thực hiện các bước đi đáng tin cậy nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. EU cũng kêu gọi Triều Tiên ngừng các hành động mà EU cho là làm gia tăng căng thẳng như các vụ phóng tên lửa liên tiếp trong thời gian qua.
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên nóng lên sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong năm 2022. Mới đây nhất, đêm 1/1/2023, Triều Tiên đã phóng thử 1 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông sau khi tiến hành thử 3 tên lửa đạn đạo vào ngày trước đó. Trong năm 2022, Hàn Quốc cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung hai bên và ba bên với Nhật Bản, Mỹ bất chấp sự phản đối của Triều Tiên.