Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn thông báo của cơ quan trên cho biết, thủ đô Moskva có số ca mắc mới trong 24 giờ cao nhất cả nước với 7.103 ca, song đã giảm đáng kể so với mức 7.603 ca ghi nhận một ngày trước. Đứng thứ 2 là thành phố Saint-Peterburg với 2.866 ca.
Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 1.155 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 239.693 ca. Trong khi đó, số người bình phục và đủ điều kiện xuất viện là 23.187 người. Như vậy, số người đã khỏi bệnh hiện chiếm 86,3% tổng số ca mắc.
Cùng ngày, giới chức Nga nhận định đội ngũ bác sĩ tại nước này đang đứng trước áp lực vô cùng lớn do số các ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Đáng chú ý, thủ đô Moskva đã phải áp đặt lệnh phong tỏa trong dịp nghỉ lễ quốc gia từ 28/10 - 7/11 nhằm ngăn chặn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo đó, hầu hết các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ không thiết yếu đều phải tạm ngừng hoạt động.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ các bác sĩ làm việc tại những "vùng đỏ" đang đối diện với "áp lực tâm lý và thể chất vô cùng lớn" khi số ca tăng nhanh trong thời gian gần đây. Hiện các giường bệnh không còn chỗ trống và tình hình sẽ chưa thể cải thiện trong một vài ngày tới. Tuy nhiên, ông cho rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát.
* Tại Pháp, giới chức y tế ngày 31/10 thông báo số lượng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 đã tăng 48 người trong 24 giờ qua lên 6.572 người. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ ngày 6/9.
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 6.329 ca, tăng 26,5% so với một tuần trước, nâng tổng số ca lên 7.17 triệu ca. Cũng theo ghi nhận, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua tại Pháp ở mức 5.858 ca và là mức cao ghi nhận trong 5 tuần gần đây.
Ngoài ra, số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực tăng 7 trường hợp trong 24 giờ qua lên 1.046 người. Trong khi đó, với thêm 12 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp hiện tăng lên thành 117.755 ca.
* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trước tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại nhanh chóng, Chủ tịch Hiệp hội y tế Đức Klaus Reinhardt kêu gọi cần phải tăng cường biện pháp kiểm soát phòng dịch hơn nữa.
Ông Klaus đề xuất 3 điểm gồm áp dụng quy tắc 2G (những người đã tiêm chủng hoặc đã bình phục) trong phần lớn các địa điểm đông người như bảo tàng, nhà hàng, siêu thị; áp dụng quy tắc 3G (những người đã tiêm chủng, đã bình phục hoặc có xét nghiệm âm tính) tại nơi làm việc; và tăng cường xét nghiệm đối với nhóm người già, người dễ bị tổn thương hoặc làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoài ra, ông cũng ủng hộ việc kích hoạt trở lại các trung tâm tiêm chủng tập trung để có thể đẩy mạnh chiến dịch tiêm tăng cường mũi vaccine thứ 3 cho tất cả những người đã được tiêm.
Trước đó, phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tình hình dịch bệnh hiện tại "rất đáng lo ngại" và cần phải nhanh chóng hành động. Bà nhấn mạnh chính phủ liên bang và chính quyền các bang sẽ phải cùng nhau thảo luận về các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn đại dịch cũng như tình trạng quá tải của hệ thống y tế.
Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), tính đến sáng 1/11, Đức ghi nhận 9.658 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Tỷ lệ số ca nhiễm mới trong cả nước trong vòng 7 ngày gần nhất hiện là 154,8 (tính trên 100.000 dân). Trong khi đó, Viện RKI cho biết chiến dịch tiêm chủng ở Đức đã bị đình trệ trong nhiều tuần qua. Tỷ lệ người dân tiêm mũi thứ nhất mới đạt 69,4% dân số, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi đạt 66,7% và khoảng 1,9 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.