Nga - EU: Gắn kết vì một châu Âu thống nhất

Hội nghị thượng đỉnh Nga - Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 3 và 4/6 tại Saint Petersburg (Nga) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho mối quan hệ giữa hai đối tác lâu năm này. Việc chủ trì cũng như sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh chung đầu tiên kể từ khi ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 3 vừa qua phần nào khẳng định thế chủ động của Nga trong các vấn đề quốc tế nói chung và quan hệ song phương Nga - EU nói riêng.


Gắn kết bởi quan hệ đối tác chiến lược


Mặc dù chưa công bố chương trình nghị sự chính thức, song giới phân tích nhận định cuộc khủng hoảng nợ đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi tại Khu vực đồng euro (Eurozone) có nguy cơ ảnh hưởng tới toàn khu vực và thế giới chắc chắn sẽ là chủ đề không thể thiếu trong diễn đàn chính trị quan trọng sắp tới. Phối hợp hành động trong khuôn khổ Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Nga và EU hy vọng tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như tình hình Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt chương trình hạt nhân của Iran và tình hình Xyri. Ngoài việc tăng cường trong lĩnh vực năng lượng với châu Âu, chắc chắn vai trò của Nga, trên cương vị thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không chỉ lớn hơn nhiều trong sân chơi chung này, mà còn là cơ hội để EU và Nga tăng cường hợp tác. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU ở Brúcxen (Bỉ) tháng 12/2011, Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev đã khẳng định, “chỉ châu Âu mới có thể giúp được châu Âu” và Mátxcơva sẽ tuân thủ những cam kết thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sẵn sàng cân nhắc các biện pháp đầu tư tài chính cần thiết để giúp kinh tế châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng vượt qua “cơn hoạn nạn” hiện nay.

Đường ống xuyên Siberia của Nga cung cấp khí đốt cho nhiều nước châu Âu. Ảnh: Internet

Nga và EU gắn kết với nhau bởi quan hệ đối tác chiến lược dựa trên những lợi ích tương hỗ rất lớn và sự phụ thuộc lẫn nhau khá chặt chẽ trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, cũng như trong cuộc chiến nhằm giải quyết các nguy cơ và thách thức chung có tính toàn cầu. EU đã thực hiện được mục tiêu đưa nước Nga hội nhập vào trật tự thế giới đa phương, trong đó có WTO theo đúng các quy tắc quốc tế, bởi lẽ tính minh bạch và khả năng dự báo trước là chìa khóa để xây dựng các quan hệ chính trị và kinh tế tốt đẹp. Ngược lại, Nga là quốc gia có tiềm lực to lớn trong việc góp phần xây dựng trật tự thế giới mới. Trên trường quốc tế, EU rất cần hợp tác với Nga để giải quyết những vấn đề kinh tế và khí hậu toàn cầu, bảo đảm an ninh quốc tế và hóa giải các xung đột khu vực.


Với việc EU là đối tác thương mại chính, là nguồn đầu tư nước ngoài cơ bản của nền kinh tế Nga, còn Nga là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của EU, sau Mỹ và Trung Quốc, đồng thời là nhà cung cấp năng lượng chính cho châu Âu, mỗi động thái trong quan hệ giữa Nga và EU luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công lớn chưa từng có kể từ khi liên minh này ra đời, sự can dự của Nga giúp EU giải quyết khủng hoảng lại càng chứng tỏ sự ràng buộc cần thiết để xây dựng một châu Âu thống nhất và phồn vinh.


... nhưng chưa hết bất đồng


Sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại diễn đàn chính trị quan trọng đầu tiên sau khi trở lại Điện Kremlin cùng với đại diện cấp cao các nước thành viên và tổ chức trong EU được nhìn nhận là quyết tâm thực hiện những dự định của nước Nga trong kế hoạch xây dựng lại một châu Âu thống nhất và phồn vinh.


Trong nhiệm kỳ Thủ tướng vừa kết thúc, ông Putin từng đề xuất 5 hướng mở rộng quan hệ đối tác giữa Nga và EU, gồm: Thành lập cộng đồng kinh tế hài hòa từ Lixbon (Bồ Đào Nha) tới Vladivostok (Nga); Soạn thảo chính sách công nghiệp chung dựa trên việc phối hợp sử dụng công nghệ và tiềm năng của Nga và EU; Hợp tác năng lượng và thành lập tổ hợp năng lượng thống nhất nhằm thiết lập quan hệ bình đẳng và cân đối giữa các bên cung cấp, tiêu thụ và vận chuyển quá cảnh năng lượng; Hợp tác khoa học - giáo dục nhằm bảo đảm vị trí dẫn đầu của lĩnh vực này ở châu Âu; Nga mong muốn triển khai đàm phán về chế độ miễn thị thực với các nước EU trong năm 2013 để đến năm 2014 sẽ bắt đầu có hiệu lực - qui trình mà Mátxcơva đánh giá là sự khởi đầu quá trình liên kết thực sự giữa Nga và EU. Về phần mình, EU khẳng định mong muốn duy trì mối quan hệ hợp tác trên cả lĩnh vực kinh tế và chính trị với Nga. Quan hệ đối tác chiến lược Nga - EU hướng đến sự đổi mới không chỉ trong công nghệ mà còn về luật pháp, bảo vệ quyền công dân, an ninh xã hội.


Mặc dù vậy, Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU lần thứ 29 sẽ vẫn là diễn đàn gây tranh cãi trong nhiều vấn đề, trước hết do nội bộ EU đang xuất hiện những rạn nứt lớn trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay. Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và EU cũng không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”.Về hình thức là quan hệ song phương, song thực chất là quan hệ đa phương giữa Nga và các nước thành viên EU. Do đó, sự va chạm lợi ích là không thể tránh khỏi. Ngay trong nội bộ EU cũng khó đạt được thống nhất trong các vấn đề của khối với sự ràng buộc của cơ chế đồng thuận như hiện nay, huống hồ trong chính sách đối ngoại với một đối tác lớn như Nga.


Hơn nữa, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại các thành viên EU là Ba Lan và CH Séc vẫn được xem là hiềm khích với Nga. Mátxcơva xem đây như một mối đe dọa có thể dẫn tới tình trạng mất cân bằng chiến lược. Thậm chí, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Đại tướng Nikolai Makarov từng tuyên bố, NMD hiện là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ giữa Nga và EU.


Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù có gay gắt đến thế nào, thì cả EU và Nga sẽ vẫn rất cần đến nhau, chí ít là xuất phát từ những lợi ích kinh tế và địa - chính trị, trong đó điều quan trọng nhất là các nước EU đang rất cần tài nguyên thiên nhiên của Nga cũng như thị trường vô cùng rộng lớn để tiêu thụ sản phẩm, còn Nga cũng đang rất cần đầu tư của nước ngoài và công nghệ cao mà các nước châu Âu có thừa. Do đó, những khó khăn nhất thời phát sinh chỉ là những tiếng nói lạc lõng trước một trật tự thế giới mới đang hình thành, trong đó các quốc gia cần dựa vào nhau để tồn tại và phát triển.

Phương Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN