Theo đài RT, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với các phóng viên ngày 6/12 rằng chủ đề đảm bảo an ninh có thể được nêu ra một lần nữa nếu phương Tây nghiêm túc về vấn đề này. Cho đến lúc đó, Moskva sẽ tiếp tục phản ứng thích hợp trước bất kỳ sự mở rộng nào của NATO.
Ông Ryabkov cho biết các cuộc đàm phán có thể bắt đầu “khi họ (phương Tây) xác nhận rằng họ đã sẵn sàng cho một số hình thức đối thoại hợp lý và cân bằng hơn về lợi ích”.
“Nếu và khi chúng tôi nghe nói rằng phương Tây thực sự quan tâm đến vấn đề này, chúng tôi sẽ quay lại chủ đề này", nhà ngoại giao Nga nói thêm. “Nhưng, giống như trong tình huống đối thoại về ổn định chiến lược, mà Mỹ đơn phương làm gián đoạn, chúng tôi không theo đuổi bất kỳ ai và chúng tôi không yêu cầu bất kỳ ai về bất cứ điều gì.”
Bình luận của Thứ trưởng Ryabkov được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trở về từ chuyến thăm Mỹ cho biết hôm 3/12 rằng, NATO nên sẵn sàng đưa ra các đảm bảo an ninh cho Nga như một phần của bất kỳ cuộc đàm phán sắp tới nào về chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Trước khi Nga có phản hồi, ngày 4/12, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, ông Oleksiy Danilov đã bác bỏ đề xuất trên của Tổng thống Macron. Theo tờ Politico, ông Danilov cho biết ông tin rằng một nước Nga “phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa” là “sự đảm bảo tốt nhất cho hòa bình của châu Âu và thế giới”.
Ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng cho rằng thay vì những đảm bảo đối với Điện Kremlin, thế giới cần những đảm bảo an ninh “từ những ý định của nước Nga thời hậu Putin”. Tuy nhiên, ông viết trên mạng xã hội, điều này sẽ chỉ có thể thực hiện được sau khi tòa án xét xử và kết án những kẻ gây ra cuộc chiến ở Ukraine cũng như áp đặt các khoản bồi thường.
Đây không phải là sự rạn nứt đầu tiên giữa Kiev và Paris về khả năng đàm phán với Điện Kremlin. Hồi tháng 5, Tổng thống Zelensky từng cho biết ông Macron đã yêu cầu Ukraine nhượng bộ về chủ quyền của mình để giúp ông Putin giữ thể diện. Nhưng Điện Elysée đã bác bỏ cáo buộc của nhà lãnh đạo Ukraine vào thời điểm đó, nhấn mạnh rằng Tổng thống Macron chưa bao giờ yêu cầu Kiev nhượng bộ.
Theo RT, Nga đã gửi một loạt đề xuất an ninh tới NATO và Mỹ vào tháng 12/2021, với vai trò quan trọng của ông Ryabkov trong các cuộc đàm phán. Trong số những đề xuất đó, Moskva yêu cầu rút vũ khí tấn công của NATO khỏi vùng sát biên giới của mình và đảm bảo rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập khối.
Vào tháng 1, Mỹ và NATO đã từ chối loạt đề xuất trên, nói rằng họ sẽ chỉ quan tâm đến các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí chiến lược. Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát vào tháng 2, NATO cũng đã chấp nhận đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan.
Thứ trưởng Ryabkov cho biết điều này sẽ nhận được "phản ứng tương ứng" từ Nga. “Các nước muốn gia nhập NATO có cần điều đó không? Tại sao? Đây cuối cùng là một câu hỏi để họ giải quyết. Chúng tôi sẽ đưa ra kết luận cho chính mình, như chúng tôi đã làm cho đến nay.”
“Sự ổn định chiến lược” mà ông Ryabkov đề cập là ám chỉ các cuộc đàm phán bị hủy bỏ giữa Nga và Mỹ ở Cairo (Ai Cập) vào tháng trước, nhằm giải quyết bế tắc đối với hiệp ước New START - hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Moskva và Washington. Nga đã đình chỉ việc tham gia vào cơ chế thanh sát hiệp ước hồi tháng 8, nói rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã mang lại cho Washington một lợi thế không công bằng khi ngăn cản các thanh sát viên Nga thực hiện công việc của họ. Tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết các cuộc đàm phán tiếp theo về hiệp ước New START sẽ không thể thực hiện được chừng nào Mỹ còn tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.