Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuyên bố nước này có thể phải mở rộng kho hạt nhân để đối phó với các mối đe doạ toàn cầu đang nổi lên.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo "Thương gia" số ra ngày 6/2, ông Antonov khẳng định những thách thức mới đang nổi lên trên thế giới, trong đó có phổ biến hạt nhân và bất ổn ở Trung Đông, "là lý do tại sao học thuyết quân sự của Nga tính tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp cụ thể". Ông Antonov nhấn mạnh: "Tôi không loại trừ khả năng trong những trường hợp nhất định, chúng tôi sẽ phải tăng cường, chứ không phải cắt giảm, kho hạt nhân của mình".
Tàu ngầm hạt nhân Nga Vepr thuộc dự án 971, kiểu Shchuka-B hoặc thuộc lớp Akula do NATO xếp hạng, tại cảng Brest, miền tây Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Thứ trưởng Antonov cũng chỉ trích hệ thống phòng thủ tên lửa của châu Âu do Mỹ đứng đầu là mối đe doạ chính đối với an ninh của Nga. Theo ông, các vũ khí chiến lược của Mỹ, kể cả hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên, đang tiến gần hơn biên giới Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ông Antonov nói: "Các thành tố trong mạng lưới phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ được triển khai ở những khu vực khác cũng tiềm ẩn một nhân tố chống Nga". Ông cũng cho biết tiến trình đàm phán giữa Nga và Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa đang bế tắc và Mátxcơva có thể rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới ký với Oasinhtơn năm 2010.
Từ lâu nay Mátxcơva vẫn phản đối việc triển khai các cơ sở phòng thủ tên lửa của NATO do Mỹ đứng đầu ở gần biên giới Nga, và muốn Mỹ cùng NATO đưa ra những đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng lá chắn tên lửa đó không nhằm vào Nga.
* Trong động thái liên quan, Nga đang phát triển một kế hoạch nhằm tăng cường sức mạnh hải quân trong giai đoạn 30 năm.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin được hãng tin RIA Novosti dẫn lời nói: "Vào tháng Sáu, Nga sẽ lập kế hoạch chi tiết cho giai đoạn 30 năm nhằm tăng cường tiềm lực Hải quân Nga. Quyết định này đã được thông qua". Trước đó, ông tuyên bố chương trình phát triển đội tàu của nước này cần được thiết kế đến năm 2030.
Công tác soạn thảo kế hoạch sẽ do Thủ tướng Nga Vladimir Putin chỉ đạo, tuy nhiên, hiện chưa có tiết lộ nào về thông tin chi tiết của kế hoạch. Ông Rogozin nhấn mạnh "mục tiêu chính của chương trình này là trên nguyên lý triển vọng dài hạn, hoạch định cơ sở bảo vệ và phát triển cân bằng của hạm đội". Ông cho biết thêm đơn đặt hàng của Hải quân Nga chiếm 10% tổng khối lượng hợp đồng quốc phòng nhà nước giai đoạn 2012-2014. Năm 2012, tổng giá trị các đơn đặt hàng quốc phòng Nga vào khoảng 900 tỷ rúp (tương đương 30 tỷ USD).
TTXVN/Tin Tức